*

TAM TỔ TRÚC LÂM GIẢNG GIẢIH.T THÍCH THANH TỪ

*
*
TỔ THỨ HAI PHÁI TRÚC LÂM

KHUYÊN CHÚNG THƯỢNG THỪA TAM HỌC

(Thượng thừa tam học khuyến chúng phổ thuyết)

DỊCH:

Là người học Phật trước phải thấy tánh. Thấy tánh, không phải có tánh bị thấy. Nói thấy, là thấy chỗ không thể thấy mà thấy vậy. Cho nên nói thấy, thấy không phải thấy, thì chân tánh hiện. Tánh thấy là vô sanh, sanh thấy thì chẳng phải có, chẳng có cái tánh thật, mà thấy thật không dời đổi. Thế nên gọi là chân thật thấy tánh.

Đang xem: Đạo cao Đài: thượng thừa là gì, nghĩa của từ thượng thừa trong tiếng việt

Sau khi thấy tánh, phải gìn giữ giới cho thanh tịnh. Thế nào là giới thanh tịnh? Nghĩa là trong mười hai giờ, ngoài dứt các duyên, trong tâm không loạn. Vì tâm không loạn động nên cảnh đến vẫn an nhàn. Mắt không vì cái sở duyên của thức mà chạy ra, thức không vì cái sở duyên của cảnh mà chun vào. Ra, vào không giao thiệp nên gọi là ngăn chận. Tuy nói ngăn chận mà không phải ngăn chận. Tai, mũi, lưỡi, thân, ý cũng như thế. Đó gọi là giới Đại thừa, là giới vô thượng cũng gọi là giới vô đẳng đẳng. Tịnh giới này, dù Tiểu tăng cho đến bậc Đại tăng đều phải gìn giữ.

Nhân giữ giới vững chắc không động, kế đó mới tập thiền. Cái yếu chỉ của thiền định là thân tâm đều xả. Trước tập định tâm, thường tự suy xét: thân này từ đâu mà đến? tâm này từ đâu mà có? Tâm không thật có thì từ đâu có thân? Thân tâm đều không thì pháp từ đâu mà có? Pháp không thật có, vì không có cái có, cái có có đó từ đâu mà có? Cái có có đó đã không thì không có pháp có. Mỗi pháp chẳng phải pháp, thì mỗi pháp nương vào đâu? Không có chỗ dựa nương thì pháp không phải mỗi pháp. Pháp này không thật cũng chẳng phải không thật. Chứng được thật pháp, mới hay chứng nhập thiền.

Người tu tập thiền định không được chấp dụng công, dụng mà không có chỗ dụng, gọi là Thiền thượng thừa. Ngoài tham thoại đầu không cho gián đoạn, miên mật liên tục không có kẽ hở, cũng không điên đảo, không trạo cử cũng không hôn trầm. Phải trong sáng như viên ngọc lăn trên mâm, phải sáng suốt như gương trên đài. Đến chỗ đất này, đi cũng được, đứng cũng được, ngồi cũng được, nằm cũng được, nói hay nín đều cũng đuợc, có chỗ nào lại không được?

Đã được thế rồi, về sau mới nêu lên những câu ngộ: Tam quan, tam huyền, tam yếu, ngũ vị, tứ liệu giản, tứ tân chủ, tứ chiếu dụng v.v… các cơ quan của Thiền Tổ. Bảy phen soi tám phen dùi, nhồi đi ép lại, thấu triệt chân nguyên. Chừng đó, mới hay mượn pháp tòa của Phật Đăng Vương , nắm sừng thỏ, nhổ lông rùa, tay hoa một phen chuyển, bốn chúng thảy mịt mờ. Phát sanh vô thượng diệu tuệ, chiếu soi không cùng. Đối với tứ vô lượng tâm, tứ niệm xứ, tứ vô úy, bát chánh đạo, thập lực của Phật, mười tám pháp bất cộng, cho đến tám muôn bốn ngàn môn đà-la-ni, trần trần sát sát, tất cả môn tam-muội đều từ nơi mình lưu xuất mỗi mỗi đều đầy đủ.

Tuệ đã đầy đủ, ban cho chúng sanh, nguyện lực không cùng tận, tự giác giác tha, tứ sanh và cửu loại, tất cả đều được thấm nhuần. Nếu tuệ mà không định gọi là càn tuệ (tuệ khô), định mà không tuệ gọi là si thiền.

Thiền có chia làm năm: 1. Phàm phu thiền, 2. Ngoại đạo thiền, 3. Tiểu thừa thiền, 4. Đại thừa thiền, 5. Thượng thừa thiền. Đây nói thiền, chính là Thượng thừa thiền vậy. Thiền này, từ đức Phật Tỳ-lô-giá-na trải qua số kiếp bất khả thuyết bất khả thuyết đến đức Phật Thích-ca Mâu-ni. Đức Thích-ca truyền xuống cho hai mươi tám vị Tổ ở Ấn Độ và sáu vị Tổ ở Trung Hoa, rồi Tổ Tổ trao tay cho nhau truyền bá khắp nơi, tính không thể hết được. Các vị đều do giới này, định này, tuệ này mà được chứng ngộ, thật không có pháp nào khác.

Các chú! Các chú đã vào trong chùa làm ông đạo, làm học trò, chỉ cầu danh dự mà chẳng chịu tham đến chỗ, cái gì là chỗ hạ thủ của Phật, Tổ? Cái gì là chỗ dụng tâm của ngoại đạo, Tiểu thừa? Luống để cho ngày lại tháng qua, lăng xăng tìm cầu bên ngoài. Một phen cái chết đến rồi phải làm sao? Đâu là nơi an thân lập mạng? Vả lại, ba ngàn oai nghi tám muôn tế hạnh, chính mình không có một mảy may. Một hôm nào đó, vua Diêm-la đến ắt không thể tha cho ngươi. Ngươi sao chẳng chịu xét lại, chớ lấy các việc trong mộng, rồi bác không nhân quả “mênh mang bát ngát chiêu ương họa”. Như thế chẳng những làm đồi bại tông môn, mà cũng khiến suy tàn chánh pháp.

Ôi! Tôi còn biết nói gì hơn!

GIẢNG:

Bài này nhắc nhở chúng ta bổn phận người tu, đúng ra là đi thẳng vào Thiền tông, quí vị ráng chú tâm nghe thật kỹ.

Khuyên chúng Thượng thừa tam học. Tam học là giới, định, tuệ. Đây nói về giới định tuệ của Thượng thừa, không phải của Nhị thừa hay của Bồ-tát thừa.

Là người học Phật trước phải thấy tánh. Thấy tánh, không phải có tánh bị thấy. Nói thấy, là thấy chỗ không thể thấy mà thấy vậy. Cho nên nói thấy, thấy không phải thấy, thì chân tánh hiện. Tánh thấy là vô sanh, sanh thấy thì chẳng phải có, chẳng có cái tánh thật, mà thấy thật không dời đổi. Thế nên gọi là chân thật thấy tánh.

Là người học Phật trước phải thấy tánh.

Chúng tôi nhắc thật kỹ, quí vị phải thầm hiểu, thầm nhận. Phàm người học Phật, nhất là chuyên về Thượng thừa thiền, cốt phải thấy tánh tức là “Kiến tánh”, cũng như Lục Tổ nói: Cốt phải kiến tánh.

Thấy tánh không phải có tánh bị thấy.

Chỗ này phải hết sức chú ý vì chúng ta thường bị kẹt ở chữ thấy tánh. Thí dụ như chúng ta nói: Tôi thấy cuốn sách, thì cuốn sách ở bên ngoài tôi, nó là cái bị thấy, còn tôi là cái hay thấy. Như vậy cuốn sách và tôi là hai, phải không?

Nếu nói thấy tánh thì tánh đó là mình hay là của ai? Mà tánh của mình, làm sao mình thấy? Đó là một vấn đề, nếu không khéo chúng ta dễ bị lầm lẫn.

Nghe nói thấy tánh, chúng ta ngỡ rằng tu để mình thấy tánh của mình, mà tánh của mình là cái gì ở ngoài mình để mình thấy? Như vậy mình muốn thấy tánh, thì tánh là cái bị thấy, và mình là cái hay thấy. Vậy cái bị thấy là mình, hay cái hay thấy là mình? Cái bị thấy không bao giờ là mình được. Còn nếu cái hay thấy là mình, thì nói thấy tánh là thấy ai? Mình thấy mình được không? Tôi thấy là thấy người thấy vật ở ngoài, chớ tôi không thấy con mắt tôi, có phải thế không? Hay nói cách khác là tôi không thấy cái hay thấy của tôi. (Cũng như con mắt không thấy được con mắt!) Vậy nói thấy tánh là thấy mình, có được không?

Tôi cho ví dụ nếu quí vị nào khéo sáng một chút thì nhận ra. Khi con mắt tôi bệnh thì tôi không thấy được các vật bên ngoài, nếu con mắt tôi mạnh thì tôi nhìn thấy tất cả sự vật.

Nếu có người hỏi: Con mắt Thầy sáng hay tối?

Tôi trả lời: Con mắt tôi sáng.

Hỏi: Tại sao Thầy biết con mắt Thầy sáng?

Đáp: Vì tôi thấy tất cả vật bên ngoài, cho nên tôi biết mắt tôi sáng.

Khi tôi khẳng định con mắt tôi sáng, không chút nghi ngờ, cái khẳng định đó từ ngữ nhà Phật gọi là “kiến”.

Bây giờ nếu con mắt tôi mờ và có người nói: “Có bình hoa hồng đỏ đặt trên bàn”, vì mắt mờ nên tôi chưa thấy rõ. Nếu có người hỏi: Thầy có thấy bình hoa hồng đỏ đặt trên bàn không? Vì tôi chưa thấy rõ nên còn nghi ngờ, không biết phải hay không? Trái lại nếu mắt tôi sáng, tôi thấy rõ thì tôi khẳng định là: Phải, có bình hoa hồng đỏ đặt trên bàn. Tôi khẳng định đó là do mắt tôi sáng nhìn thấy, còn mắt tôi mờ chưa thấy thì chưa dám khẳng định. Bây giờ tôi khẳng định là tôi có con mắt sáng, tức là tôi thấy con mắt tôi sáng, chớ không phải tôi thấy được con mắt sáng, mà tôi chỉ khẳng định con mắt tôi sáng. Chữ “thấy” là khẳng định không ngờ vực gì cả.

Chữ “kiến tánh” cũng vậy, có nghĩa là chúng ta nhận nơi mình có tánh tri giác bất sanh bất diệt, nhận rõ không chút nghi ngờ. Đó gọi là kiến tánh, chớ không phải kiến tánh là thấy được tánh mình. Nhiều người không hiểu cứ nghĩ kiến tánh là thấy tánh mình, nếu tánh mình mà mình thấy thì vô lý. Nếu là tánh mình thì người ngoài thấy chớ mình không thấy, còn mình thấy là thấy tánh của người khác chớ không phải tánh mình.

Thế nên trong bài Ngài nói rất rõ:

Thấy tánh, không phải có tánh bị thấy. Nói thấy, là thấy chỗ không thể thấy mà thấy vậy. Nếu ai khéo thì có thể nhận ra cái không thể thấy mà thấy.

Cho nên nói thấy, thấy không phải thấy thì chân tánh hiện. Thấy mà không thể thấy, vì nó không phải là hình tướng, là sự vật, cho nên không thể thấy. Nhưng nhận được cái hiện hữu của nó không nghi ngờ, gọi đó là thấy.

Tánh thấy là vô sanh, sanh thấy thì chẳng phải có. Tánh thấy không sanh không diệt, nếu vừa khởi thấy nó thì cái đó không phải nó.

Chẳng có cái tánh thật, mà thấy thật không dời đổi, nhưng nhận ra cái thật đó, cái thật đó không có dời đổi, nó bất sanh bất diệt.

Thế nên gọi là chân thật thấy tánh. Chân thật thấy tánh là như vậy.

Sau khi thấy tánh, phải gìn giữ giới cho thanh tịnh. Khi nhận ra bản tánh rồi, mới nói tu. Cho nên khi dạy tu là dạy chung, có người nhận được bản tánh, có người chưa nhận được. Nhưng vì trong chúng làm việc gì cũng phải làm chung, lý đáng thì sau khi thấy tánh phải giữ giới cho thanh tịnh.

Thế nào là giới thanh tịnh? Nghĩa là trong mười hai giờ, ngoài dứt các duyên, trong tâm không loạn. Khi nhận được bản tánh rồi thì bên ngoài dứt các duyên, trong tâm không loạn động.

Vì tâm không loạn động nên cảnh đến vẫn an nhàn. Cảnh đến là cảnh gì? Vì tâm không loạn động, cho nên mắt thấy sắc đẹp, tai nghe tiếng khen tiếng chê mà chúng ta vẫn an nhàn. Tất cả những gì đến với mình, chúng ta đều không xao xuyến, đó gọi là cảnh đến vẫn an nhàn.

Mắt không vì cái sở duyên của thức mà chạy ra, thức không vì cái sở duyên của cảnh mà chun vào. Nó không chạy ra cũng không bị chun vào. Tôi nói thí dụ: Như có người mang chiếc đồng hồ quí đẹp đến khoe với chúng: “Tôi có chiếc đồng hồ đẹp.” Khi mắt nhìn thấy chiếc đồng hồ, thì chiếc đồng hồ là cảnh. Thức không vì mắt thấy đồng hồ mà chạy ra, đồng hồ không có chun vào con mắt, cho nên ở trong không chạy ra, ở ngoài không chun vào. Vì thế nhìn chiếc đồng hồ đẹp mà tâm vẫn an nhàn. Còn nếu có chạy ra chun vào thì tấm tắc khen chiếc đồng hồ đẹp quá, quí quá, nên khi người ta đem đồng hồ đi rồi, ngồi đây mà nhớ mãi chiếc đồng hồ, không biết mua nó bao nhiêu, giá trị nó như thế nào, vì vậy tâm bị xao động bất an. Nếu như chiếc đồng hồ quí để trước mắt, mà thức không theo con mắt để duyên với đồng hồ, đồng hồ cũng không theo chỗ hở của con mắt mà chun vào, trong không ra, ngoài không vào thì tâm an nhiên nhàn hạ. Bây giờ thử hỏi tất cả quí vị khi gặp cảnh đó, có ra có vào hay không? Cho nên không có đeo đồng hồ là cái duyên để chúng ta dễ tu. Đồng hồ đẹp đồng hồ xấu gì cũng mặc, chỉ thấy thôi, không có ra không có vào. Còn nếu đeo đồng hồ thì so sánh đồng hồ này đẹp, đồng hồ kia xấu, tức là có ra có vào. Vì thế không mang đồng hồ thì không dính kẹt trong đồng hồ tốt xấu, giá trị đồng hồ cao thấp v.v… cho nên thức không vì con mắt mà chạy ra, cái đồng hồ vì chúng ta không lưu tâm, nên cũng không có chỗ chen vào. Ra vào không có, cho nên đồng hồ để trướùc mắt mà tâm vẫn thản nhiên, không có gì dính dáng. Đó là kết quả của sự tu.

Ra vào không giao thiệp nên gọi là ngăn chận. Tuy nói ngăn chận mà không phải ngăn chận. Thật ra đâu có gì ngăn chận. Trước cảnh chỉ thản nhiên thôi, chớ có ngăn chận chi đâu.

Tai, mũi, lưỡi, thân, ý cũng như thế. Từ mắt rồi nghiệm qua tai, mũi, lưỡi, thân, ý cũng như thế. Tức là sáu căn đối với sáu trần, không có chạy ra không có chun vào…

Đó gọi là giới Đại thừa, là giới vô thượng cũng gọi là giới vô đẳng đẳng. Tịnh giới này, dù Tiểu tăng cho đến bậc Đại tăng đều phải gìn giữ.

Giới này Tiểu tăng hay Đại tăng cũng đều phải giữ. Giới Đại thừa hay giới vô thượng tức là giới không gì hơn, vô đẳng đẳng là không có gì sánh bằng, đây là chỉ cho giới cao tột, giới tuyệt đỉnh. Trong tam học giới định tuệ, giới là đầu. Đối với người tu thiền, giới là ở chỗ sáu căn đối với sáu trần không cho chạy ra, không cho chun vào. Tức là giữ sáu căn không bị thức duyên ra, cảnh chui vào, đó gọi là giới Đại thừa, giới vô thượng, giới vô đẳng đẳng, không còn gì hơn, không có gì sánh bằng. Vậy người biết tu thì phải giữ giới đó hằng ngày.

Nhân giữ giới vững chắc không động, giới này là thượng thừa, là vô đẳng đẳng nhưng khó giữ, cho nên mỗi tối chúng ta đều sám hối. Sám hối sáu căn cho thuần thục, như mắt vừa thấy sắc đẹp liền nhớ sám hối về mắt, tai nghe lời gì hơi trái hơi khó chịu thì nhớ sám hối về tai. Như thế sám hối cho đến thuần thục, ngăn chận không cho trong chạy ra ngoài chạy vào, đó là giới thanh tịnh, là giới của người tu Thượng thừa.

Kế đó mới tập thiền. Cái yếu chỉ của thiền định là thân tâm đều xả. Yếu chỉ của thiền là thân tâm đều xả. Xả tâm là vừa dấy niệm liền buông. Còn xả thân là sao? Không phải là bỏ thân này, là hủy hoại cho nó chết, đừng hiểu lầm như vậy. Xả thân có nghĩa là xả tất cả những nhu cầu mà thân đòi hỏi quá đáng, phải xả những thụ hưởng đừng cho thân đắm trước. Phải thấy thân là tạm bợ, giả dối, đừng có luyến ái mà cố giữ gìn cho được sống lâu, trái lại phải dùng nó trong những điều lợi ích cho đạo, lợi ích cho chúng sanh, như vậy gọi là xả thân.

Trước tập định tâm, thường tự suy xét: thân này từ đâu mà đến? Tâm này từ đâu mà có? Muốn định tâm, chúng ta phải tự đặt câu hỏi như vậy để phân tích tìm cho ra manh mối về thân này và tâm này. Đến đây Ngài mới giải thích:

Tâm không thật có, thì từ đâu có thân?

Khi chúng ta đặt câu hỏi: Tâm này từ đâu mà có? Tâm đây là chỉ tâm vọng tưởng, chúng ta tìm xem tâm vọng tưởng từ đâu mà có, tìm cho kỹ thì tâm vọng tưởng không có. Nghĩa là tìm cho đến nơi đến chốn thì nó là không, nên nói Tâm không thật có, thì từ đâu có thân? Vì con người sống là có thân và tâm, thân là hình thức vật chất, tâm là phần tinh thần, phần hiểu biết. Phần tinh thần hiểu biết tìm cho tận cùng thì nó không có hình thức, không có chỗ nơi, tức là không thật có. Tâm đã không thật có, thì thân vật chất này thật có được chăng? Nếu tìm cho kỹ thì thân vật chất này cũng không thật. Thế nên:

Thân tâm đều không thì pháp từ đâu mà có.

Trước là quán tâm cho kỹ thì biết tâm không thật, kế là quán thân cho tường tận thì thấy thân không thật, đúng là “chiếu kiến ngũ uẩn giai không”, ngũ uẩn là chỉ cho thân và tâm, nếu thấy không thật thì sự vật bên ngoài tức là các pháp, có thật hay không? Thân tâm không thật thì cái bàn này do thân tâm tạo nên có thật không? Thân tâm không thật thì cái bàn cũng không thật. Hay nói một cách gọn hơn, dễ hiểu hơn: Thân do duyên hợp, tâm do duyên hợp đều không thật, thì sự vật bên ngoài do duyên hợp cũng đều không thật. Thường thấy như vậy là có tu rồi! Sở dĩ ngày nay chúng ta tu khó nhọc, không có kết quả, là vì thấy thân thật, tâm thật, cảnh thật. Cứ như thế mà khổ sở, buồn khóc, sám hối, cũng vì những cái thấy thật đó. Nếu thấy thân, tâm, cảnh đều không thật thì đâu còn gì phải bận bịu dính mắc!

Pháp không thật có. vì không có cái có, thì cái có có đó từ đâu mà có? Pháp tức là sự vật, không thật có. Thí dụ chúng ta nói cái bàn cái nhà không thật có, kể cả núi sông cũng không thật có, như vậy tất cả những gì người ta nói có có đó xét kỹ đều không thật có. Vì không thật có thì cái có có đó từ đâu mà có? Đều là duyên hợp, đều không thật.

Cái có có đó đã không, thì không có pháp có. Vì cái có mà mình thấy trước mắt đều không thật, thì không có pháp có. Như vậy các pháp thế gian nói có đều là không thật có, không có pháp nào là thật có cả.

Mỗi pháp chẳng phải pháp, thì mỗi pháp nương vào đâu? Mỗi pháp, mỗi vật đã không thật, thì nương vào đâu mà gọi là có cái này, có cái kia?

Không có chỗ dựa nương thì pháp không phải mỗi pháp. Vì không có chỗ nương thật, nên mỗi sự vật đều là không thật, không có cái gì gọi là thật hết. Tỉ dụ đây là quyển sách, kia là cái đồng hồ, mỗi pháp đều không có chỗ nương thì mỗi pháp đều là không thật. Cho nên pháp không phải mỗi pháp nghĩa là tất cả sự vật hiện thấy hiện biết đều không có cái gì thật.

Pháp này không thật thì cũng chẳng phải không thật. Sự vật hiện hữu là không thật, nhưng cũng chẳng phải không thật, tại sao? Đứng về giả tướng duyên hợp thì các pháp là không thật, nhưng thật tánh hay tánh không của tất cả pháp đâu phải là không? Thế nên:

Chứng được thật pháp mới hay chứng nhập thiền. Tất cả pháp là không, không thật, duyên hợp hư giả, tánh nó là không. Thấy được tánh không đó rồi, mới đi tới chỗ chứng nhập thiền. Chúng tôi thường nhắc lại nhiều lần câu nói của Thiền sư Duy Tín đời Tống, Ngài nói: “Ba mươi năm trước, khi chưa gặp thiện tri thức, tôi thấy núi sông là núi sông”, tức là thấy núi là thật, thấy sông là thật. “Sau khi gặp thiện tri thức chỉ dạy, tôi thấy núi sông không phải là núi sông.” Đó là pháp không phải pháp, nghĩa là thấy các pháp không thật có, duyên hợp hư giả, tự tánh là không, tức là đạt được tánh không của tất cả pháp. “Nay ba mươi năm sau, tôi thấy núi sông là núi sông.” Tức là tâm không còn so đo nghĩ tính, pháp này là có, pháp kia là không, pháp này đẹp, pháp kia xấu, tâm hoàn toàn thanh tịnh, đó là nhập thiền. Phải ba mươi năm tâm thuần thục rồi mới nhập thiền chớ không phải năm tháng, bảy tháng, hay ba năm, năm năm là được.

Chúng ta tu đến khi nhìn thấy các sự vật đều không có tự tánh, tánh nó là không, duyên hợp hư giả, thì chúng ta không còn bận tâm với các pháp nữa. Thế nên phải thâm nhập lý Bát-nhã rồi mới nhập được thiền, vì thiền là “đối cảnh vô tâm”, tức là “không ra không vào”. Vì các sự vật duyên hợp hư dối, không còn hấp dẫn mình được, nên mới “không ra không vào”. Giả sử hiện nay có người đi xa mang về một món đồ thật quí như chiếc đồng hồ đẹp, khoe với chúng, mọi người nhìn thấy cười thôi, không bàn tán gì cả, thì khả dĩ thấm mùi thiền. Còn nếu thấy món đồ quí đẹp liền xúm lại xem, rồi bàn tán xôn xao, đó là chưa nhập được thiền.

Người tu phải cẩn thận, muốn bước vào cảnh giới thiền, trước phải thấu suốt lý Bát-nhã, thấy rõ thân, tâm và cảnh cả ba đều không thật. Dù có ai chê mình đen xấu, hay khen mình trắng đẹp cũng chỉ là giả tướng, đâu có gì quan trọng, thấy rõ như vậy thì lời khen chê không làm động lòng mình. Đối với cảnh đẹp cảnh xấu mình cũng không động, vì cảnh đâu có thật. Đến tâm chúng ta cũng vậy. Nói người khôn kẻ dại cũng là thừa, vì khôn dại đều là vọng, không có gì quan trọng. Khi biết thân, tâm và cảnh không thật thì không còn chấp, không còn dính mắc, đó là thiền. Thật đúng với câu ngài Điều Ngự Giác Hoàng nói: “Đối cảnh vô tâm mạc vấn thiền.” Đối cảnh không tâm dính mắc là đã nhập thiền rồi, còn hỏi thiền chi nữa. Người tu nào đối cảnh vô tâm thì được phép không ngồi thiền, còn chưa được thì phải tinh tấn tăng giờ.

Việc tu thật đơn giản, làm sao cả ngày đối với thân mình, ai chê ai khen gì cũng không dính, ai lý luận nói mình ngu dốt cũng không buồn bực, cái gì đẹp xấu đến trước mắt mình cũng chẳng bận lòng. Được như vậy cả ngày tới lui tự do, không cần ngồi thiền, không phải thỉnh nguyện gì nữa. Thật nhàn làm sao! Thầy làm việc của thầy, trò làm việc của trò, không ai bận bịu đến ai, thảnh thơi vô cùng. Đây là chủ trương của ngài Điều Ngự Giác Hoàng. Đối cảnh không tâm, đó là nhập thiền rồi, đừng hỏi thiền chi nữa.

Người tu tập thiền định không được chấp dụng công, dụng công mà không có chỗ dụng, gọi là Thiền thượng thừa.

Người tu thiền không được chấp dụng công. Nếu khi đi cứ một bề ngó xuống, không cho ai đối diện với mình, thấy ai cũng tránh né, đó là chấp dụng công, chưa phải là thật thiền. Thiền mà không thấy mình tu gì cả, chỉ thấy người, thấy cảnh, thấy vật, tâm không dính mắc là được rồi. Nếu không muốn thấy là còn sợ dính, phải không? Thí dụ như tay mình có keo có nhựa thì cầm cây viết dính cây viết, cầm cục phấn dính cục phấn, cầm vật nào dính vật nấy, cho nên mới sợ dính. Còn nếu tay mình không có keo nhựa thì tha hồ cầm các vật, có dính gì đâu! Cho nên chấp dụng công là còn đang dính. Vì thế khi Lục Tổ thấy ai ngồi thiền Ngài đến nắm lỗ tai Ngài thổi. Lẽ ra vị nào, ngoài giờ ngồi thiền công cộng của chúng, còn ngồi thêm ở hành lang hay ở gốc cây, phải được khen là tinh tấn. Còn Lục Tổ tại sao lại nắm lỗ tai thổi không cho ngồi? Vì Ngài thấy nếu tâm của mình không dính với cảnh thì cần gì phải ngồi chỗ này hay chỗ kia. Hiện nay trong chúng có nhiều người ngoài giờ công tác hay tìm chỗ vắng tránh huynh đệ ngồi một mình cho tâm thanh tịnh, cũng là hay. Thật ra nếu trước mặt trăm người mà mình không dính thì ở trong chúng vẫn thanh tịnh. Còn nếu ngồi một mình dưới gốc cây mà cứ nhớ huynh này huynh kia nói những câu gì đó, tức là có dính. Như vậy trọng tâm của việc tu là đừng dính mắc, còn lựa chỗ để ngồi thiền chỉ là phần phụ thôi. Điều quan trọng là phải nhớ gạn lọc cho nội tâm được trong sáng.

Vậy thiền định là không chấp dụng công, dụng công mà không có chỗ dụng gọi là Thiền thượng thừa. Dụng công mà không chỗ dụng tức là không cho tâm dính mắc, nhưng thấy vẫn thấy, nghe vẫn nghe mà không dính mắc, đó là Thiền thượng thừa.

Ngoài tham thoại đầu không cho gián đoạn, miên mật liên tục không có kẽ hở, cũng không điên đảo, không trạo cử cũng không hôn trầm. Phải trong sáng như viên ngọc lăn trên mâm, phải sáng suốt như gương trên đài. Đến chỗ đất này, đi cũng được, đứng cũng được, ngồi cũng được, nằm cũng được, nói hay nín đều cũng đuợc, có chỗ nào lại không được?

Theo cái nhìn của ngài Pháp Loa, ngoài lối tu Thượng thừa thiền ở trên, muốn cho được miên mật thì ứng dụng phương tiện phụ là tham thoại đầu, cốt làm sao cho mình được luôn luôn trong sáng như viên ngọc lăn trên mâm, dù lăn mặt nào cũng là sáng cả. Cũng như gương trên đài lúc nào cũng sáng. Đến chỗ đó thì đi đứng nằm ngồi đều tự tại.

Chúng tôi xin nhắc lại cho tất cả quí vị nhớ, nếu chúng ta nắm được trọng tâm tu thiền, thì trên đường tu chúng ta không có gì nghi ngờ cả. Trong kinh Pháp Bảo Đàn, phẩm Bát-nhã, Lục Tổ nói người tu thiền phải thông suốt lý Bát-nhã. Nhờ trí tuệ Bát-nhã chúng ta phá được ba cái chấp: chấp tâm, chấp thân và chấp cảnh. Tâm, thân và cảnh đều không chấp, thì tâm mới không chạy ra, không dính mắc với ngoại cảnh. Nếu còn chấp một cái nào đều là dính hết. Thế nên khi chúng ta phá được cái chấp đó rồi thì chúng ta ứng dụng tu “đối cảnh vô tâm”, như vậy lúc nào cũng là thiền. Song hiện giờ chúng ta chưa phá được chấp, nên phải ngồi, niệm dấy lên biết là hư dối, đó là phá chấp tâm trước. Thấy tâm không thật thì mới thấy thân cũng hư dối không thật. Thấy tâm thấy thân hư dối rồi tiếp tục thấy cảnh cũng hư dối. Nếu chúng ta chưa có thể thực hiện một lượt ba phần thì đầu tiên chúng ta thực hiện một phần, phần tâm là đi đầu. Ở đây Ngài cũng dạy quán tâm trước, kế quán thân rồi quán cảnh. Quán thứ tự như vậy để quí vị thực hành cho có kết quả từng bước chắc chắn, chớ không phải chỉ có bấy nhiêu đó thôi.

Phá chấp tâm là gốc, nếu tâm dấy lên biết nó hư dối không theo, thì từ từ chúng ta buông được những cái chấp khác dễ dàng. Nếu chúng ta quán thân giả dối mà tâm cứ nghĩ là thật thì cũng còn chấp khá nặng. Vì vậy chúng ta đi từ bước đầu thấy tâm không thật, cho nên chữ vọng tưởng có nghĩa vọng là hư dối, tưởng là tưởng tượng, tất cả niệm tưởng đều hư dối, hư dối tức không thật, không thật tức là không. Bước đầu quí vị tu cho thuần thục, rồi sẽ tới những bước sau.

Đã được thế rồi, về sau mới nêu lên những câu ngộ: Tam quan, tam huyền, tam yếu, ngũ vị, tứ liệu giản, tứ tân chủ, tứ chiếu dụng v.v… các cơ quan của Thiền Tổ. Bảy phen soi, tám phen dùi, nhồi đi ép lại, thấu triệt chân nguyên. Chừng đó, mới hay mượn pháp tòa của Phật Đăng Vương, nắm sừng thỏ, nhổ lông rùa, tay hoa một phen chuyển, bốn chúng thảy mịt mờ. Phát sanh vô thượng diệu tuệ, chiếu soi không cùng. Đối với tứ vô lượng tâm, tứ niệm xứ, tứ vô úy, bát chánh đạo, thập lực của Phật, mười tám pháp bất cộng, cho đến tám muôn bốn ngàn môn đà-la-ni, trần trần sát sát, tất cả môn tam-muội đều từ nơi mình lưu xuất mỗi mỗi đều đầy đủ.

Đoạn trên Ngài nói về Giới và Thiền định, đến đây là phần Tuệ. Nói về tuệ Ngài dẫn những danh từ trong nhà thiền rất khó hiểu nào là tam quan, tam huyền, tam yếu, ngũ vị, tứ liệu giản, tứ tân chủ, tứ chiếu dụng v.v… các cơ quan của Thiền Tổ. Chúng tôi sẽ lần lượt giải thích cho quí vị rõ.

Tam quan là ba cửa hay ba cổng mình phải qua khỏi. Tam quan có chỗ nói là: Tổ sư quan, lao quan và trùng quan.

Tam quan cũng có nghĩa khác, theo Thiền sư Huệ Nam ở Hoàng Long, Ngài dùng tam quan hay ba cổng để hỏi.

Quan thứ nhất: Ai cũng có sanh duyên, vậy sanh duyên của Thượng tọa ở đâu?

Quan thứ hai: Tay tôi sao giống tay Phật?

Quan thứ ba: Chân tôi sao giống chân lừa?

Ba câu hỏi đó, ai trả lời thế nào cũng mặc, Ngài không để ý, không nói đúng, không nói sai. Có nhiều người thắc mắc hỏi lại: “Thưa Ngài, Ngài hỏi, chúng con đáp, đúng hay sai Ngài dạy cho chúng con biết, vì sao Ngài lại làm thinh?”

Ngài trả lời rằng: “Nếu anh muốn qua cổng, khi qua khỏi cổng rồi, anh có cần hỏi người gác cổng không? Nếu còn hỏi người gác cổng, là anh chưa qua khỏi cổng. Vì vậy nên ta làm thinh không trả lời.” Sau này người ta gọi là tam quan của ngài Huệ Nam.

Còn Tam huyền Tam yếu là của ngài Lâm Tế. Ngài thường nói: “Một câu nói phải đủ tam huyền tam yếu”, nhưng Ngài không có giải thích thế nào là tam huyền tam yếu. Nếu có giải thích chăng là do người sau, chớ Tổ Lâm Tế không có giải, cho nên điều đó khó mà phân minh.

Rồi đến Ngũ vị, trong tông Lâm Tế nói khác và tông Tào Động nói khác. Ngũ vị trong tông Tào Động gồm có:

Vị thứ nhất: Chánh trung thiên

Vị thứ hai: Thiên trung chánh

Vị thứ ba: Chánh trung lai

Vị thứ tư: Thiên trung chí

Vị thứ năm: Kiêm trung đáo

Ngũ vị được giải thích rõ ở chương ngài Động Sơn Lương Giới, trong quyển Thiền sư Trung Hoa tập II.

Đến phần Tứ liệu giản (chọn lựa bốn điều) của tông Lâm Tế, gồm có:

Thứ nhất: Đoạt nhân bất đoạt cảnh, nghĩa là dẹp người mà không dẹp cảnh. Người ở đây là chỉ cho nội tâm, người tu chỉ một bề hướng về nội tâm mà dẹp. Thí dụ như hiện giờ chúng ta tu vừa thấy vọng tưởng dấy lên liền buông xả, đó thuộc về đoạt nhân bất đoạt cảnh, không cần dẹp ở bên ngoài.

Thứ hai: Đoạt cảnh bất đoạt nhân, tức là dẹp cảnh mà không dẹp người, không có nhìn vào trong mà nhìn các pháp ở bên ngoài. Thấy người, thấy vật đều biết nó là hư dối không có thật, đó là đoạt cảnh. Nếu thấy cảnh không thật thì trong tâm không chạy theo. Đây là đoạt cảnh mà không đoạt nhân.

Thứ ba: Nhân cảnh câu đoạt, tức là ở trong thì dẹp tâm, ở ngoài thì dẹp cảnh, tâm cảnh đều phá.

Thứ tư: Nhân cảnh câu bất đoạt. Tất cả sự tu hành của mình đến đây coi như đã được an nhiên tự tại, cảnh là cảnh, tâm là tâm, không còn dính kẹt nữa, cho nên cả hai đều không đoạt.

Kế đó là Tứ tân chủ, tông Lâm Tế và tông Tào Động đều có nói. Trong tông Lâm Tế, tân là khách đến tham vấn, chủ là vị thầy, vị sư để cho người tham vấn. Tứ tân chủ gồm có:

1. Tân khán chủ là người khách xem xét thấy rõ ông chủ.

2. Chủ khán tân là người chủ thấy tường tận được kẻ khách.

3. Chủ khán chủ là người chủ nhìn lại thấu suốt nơi mình.

4. Tân khán tân là người khách nhìn rõ ràng về họ.

Phần giải thích, tôi có nói kỹ trong quyển Thiền sư Trung Hoa nên ở đây chỉ nói đơn lược thôi.

Tứ chiếu dụng cũng thuộc về tông Lâm Tế. Chữ chiếu là nói về người nhận thức, về chủ thể, còn chữ dụng là cái áp dụng bên ngoài, thuộc về khách thể. Chủ thể, khách thể soi chiếu cho nhau nên gọi là chiếu dụng. Trong chiếu dụng có chia ra:

1. Trước chiếu, sau dụng.

2. Trước dụng, sau chiếu.

3. Chiếu dụng đồng thời.

4. Chiếu dụng bất đồng thời.

Nếu giải ra thì rất dài, nên chúng tôi chỉ kể tên thôi, chớ không thể giải hết được. Phần nhiều ở các nơi giải thích mỗi chỗ có sai biệt nhau chút ít, nên sau này nếu có dịp tra khảo lại quí vị sẽ thấy rõ hơn.

Bảy phen soi, tám phen dùi, nhồi đi ép lại, thấu triệt chân nguyên. Người tu thiền khi nắm được những cơ quan Thiền Tổ thì phải chịu khó soi cho phủng, dùi cho thấu và xét tới xét lui, đây gọi là nhồi đi ép lại để thấu triệt nguồn chân.

Chừng đó mới hay mượn pháp tòa của Phật Đăng Vương. Mượn pháp tòa của Phật Đăng Vương xuất xứ từ kinh Duy-ma-cật, quyển trung, phẩm Bất Tư Nghì, trong đó có kể ngài Duy-ma-cật ở trong thất nhỏ, có chư Bồ-tát, chư A-la-hán đến thăm rất đông. Ngài mới đưa tay lên cõi Phật Tu-di Đăng Vương ở thế giới Tu-di Tướng phương Đông mượn các tòa đem về cho chư vị Bồ-tát ngồi. Các tòa của Phật Tu-di Đăng Vương để gần đầy cả bầu hư không, thế mà Ngài mượn các tòa trên đó đem về trong thất nhỏ xíu để mời các vị Bồ-tát ngồi. Đó là để nói lên ý nghĩa khi người tu đạt đến chỗ viên mãn cứu kính thì lớn nhỏ dung hợp nhau, không có gì chướng ngại.

Nắm sừng thỏ, nhổ lông rùa. Sừng thỏ, lông rùa, có hay không? Những cái không biến thành có, những cái có biến thành không, có không đều không chướng ngại nhau. Cho nên khi được diệu dụng rồi thì tất cả lớn nhỏ, có không đều không chướng ngại.

Tay hoa một phen chuyển, bốn chúng thảy mịt mờ. Tay của các ngài một phen xoay chuyển thì tất cả mọi người trong bốn chúng đều không thể hiểu nổi, không thể thấu được ý nghĩa thâm trầm của các ngài. Đó là để diễn tả người tu thiền khi thấu suốt được các ý nghĩa cao siêu của chư Tổ thì sẽ có những diệu dụng không thể lường được. Những diệu dụng đó từ một hành động, từ một lời nói, đều chỉ ra chỗ chân thật mà mọi người ít ai hiểu, ít ai thấu suốt. Cho nên nói:

Phát sanh vô thượng diệu tuệ, chiếu soi không cùng. Lúc đó trí tuệ vô thượng sẽ phát sanh, chiếu soi cùng khắp.

Đối với tứ vô lượng tâm, tứ niệm xứ, tứ vô úy, bát chánh đạo, thập lực của Phật, mười tám pháp bất cộng, cho đến tám muôn bốn ngàn môn Đà-la-ni, trần trần sát sát, tất cả môn tam-muội đều từ nơi mình lưu xuất mỗi mỗi đều đầy đủ. Người đạt đạo rồi thì tất cả pháp của Phật dạy đều có thể được viên mãn, cho nên nói lời gì, làm việc gì đều không ngoài pháp của Phật, và tất cả pháp của Phật dạy đều nằm trong cái thấy, cái biết, cái trình bày của chính mình, không có ra ngoài. Thế nên cái gì Phật có là mình cũng sẽ có, cái gì mình có tức là Phật đã có. Như vậy để nói pháp Phật và pháp của người ngộ đạo nói ra không hai.

Về các từ ngữ chúng tôi sẽ giải thích tên cho quí vị rõ. Tứ vô lượng tâm là: từ vô lượng tâm, bi vô lượng tâm, hỉ vô lượng tâm, xả vô lượng tâm. Người tu chắc rằng ai cũng có tâm từ bi hỉ xả, nhưng có tâm từ bi hỉ xả vô lượng thì không phải dễ. Vì chúng ta mới tập tu hoặc là tập mà chưa có thuần, cho nên lòng từ bi hỉ xả chỉ có trong giới hạn, chớ chưa có trong vô lượng. Khi nào tâm từ bi hỉ xả được vô lượng thì được ngang với Bồ-tát, cho nên nói Tứ vô lượng tâm là tâm của Bồ-tát.

Kế đến là Tứ niệm xứ. Tại sao gọi là Tứ niệm xứ? Xứ là chỗ, niệm là chuyên nhớ, tức là bốn chỗ mình phải nhớ. Về pháp quán, Nhị thừa luôn luôn lấy Tứ niệm xứ làm đề tài thiền quán.

Thứ nhất là quán thân bất tịnh.

Tức là quán thân này là nhơ nhớp bất tịnh. Người tu phải luôn luôn chuyên tâm nhớ thân này là nhơ nhớp bất tịnh, đó là nhớ đúng lẽ thật. Vì chúng ta điên đảo tưởng thân là tịnh, cho nên bắt buộc chúng ta phải nhớ cho đúng lẽ thật, thân nhơ nhớp bất tịnh thì biết là thân nhơ nhớp bất tịnh. Nếu thân mình bất tịnh thì thân người khác cũng bất tịnh. Hằng nhớ như vậy thì dứt được bệnh luyến ái về thân, thân mình và thân người.

Xem thêm: Sốt Tonkatsu Là Gì – Sốt Tonkatsu, Từ Điển Nấu Ăn Cho Người Nội Trợ

Thứ hai là quán thọ thị khổ.

Thọ tức là tất cả cảm giác của mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý của mình. Hằng quán tất cả cảm giác đều là khổ. Nhưng trong kinh nói thọ chia ra ba thứ: khổ thọ, lạc thọ, bất khổ bất lạc thọ, tức là cảm giác vui, cảm giác khổ, cảm giác không vui không khổ.

Thí dụ cảm giác của lưỡi, khi chúng ta để thức ăn ngon vào lưỡi thì có cảm giác vui, còn để thức ăn quá đắng vào lưỡi thì có cảm giác khổ. Nếu bưng ly nước lã uống thì cảm giác không khổ không vui, nước lã không thích, cũng không không thích, trừ ra khi nào khát. Lẽ ra cảm giác có khi khổ khi vui, vì sao ở đây chỉ dạy chúng ta phải quán thọ là khổ, cảm giác là khổ? Cảm giác dù là vui, nhưng mọi cảm giác đều vô thường, qua rồi mất. Cái gì bị vô thường chi phối đều là khổ. Tại sao vậy? Vì cảm giác vui thì mình muốn giữ, mà nó qua mất cho nên khổ. Còn cảm giác khổ, muốn qua cho nhanh mà cứ nhớ hoài. Tỉ dụ như uống một chén thuốc bắc vừa hôi vừa đắng, cảm giác khi uống là khổ, cho nên muốn uống cho mau. Uống qua rồi mà vị đắng vẫn chưa hết! Muốn qua mau, lại nhớ lâu, cho nên cũng khổ. Thọ vui rồi mất, thọ khổ lại kéo dài, cho nên tất cả thọ dù khổ, dù vui hay không khổ không vui, Phật đều kết luận là khổ. Nếu mọi cảm giác đều là khổ thì chúng ta có thích cảm giác vui, chán cảm giác khổ hay không? Vì biết cảm giác nào cũng là gốc khổ, nên chúng ta không tìm không thích. Đó gọi là quán thọ thị khổ.

Thứ ba là quán tâm vô thường.

Tâm vô thường là những tâm niệm của mình, giờ phút này nó nghĩ khác, giờ phút sau nó nghĩ khác, luôn luôn chạy nhảy không dừng giống như khỉ vượn. Vì tâm là vô thường, làm sao tin được nó. Thế mà có nhiều người nói tâm tôi tốt lắm, có nên tin lời đó không? Khi gặp cảnh tốt thì nó tốt, gặp cảnh xấu chưa chắc nó tốt. Thí dụ gặp ai khen mình, lúc đó chúng ta rất tốt, rất vui mừng. Nếu gặp ai chửi mình, chúng ta còn tốt không? Lúc đó tâm sân hận nổi lên ngay, làm sao tốt được!

Như vậy tâm chúng ta không cố định là tốt hay xấu, luôn luôn nó chuyển biến theo cảnh bên ngoài. Người đời không biết nên cứ nuôi dưỡng tâm vô thường cho nó là hay là quí. Người tu biết nên dùng chữ vọng hay huyễn để chỉ nó, và không theo nó. Trong kinh Phật có dạy: “Chừng nào chứng A-la-hán, các ông mới nên tin tâm mình.” Còn chưa chứng A-la-hán, thì không tin nó được. Vậy mà có nhiều người nói tâm tôi cứng cỏi không sợ. Cứng cỏi không sợ là vì người ta yếu hơn mình, còn nếu người mạnh hơn thì mình thua ngay. Thế nên ai tin tâm mình là giống như tin kẻ trộm cướp, thế nào cũng bị nó gạt. Vậy phải luôn quán tâm là vô thường, không đáng tin.

Thứ tư là quán pháp vô ngã.

Tất cả pháp chia làm hai loại: Một là pháp ở nội tâm, gọi là tâm sở pháp, hai là pháp ở bên ngoài gọi là các pháp. Tất cả pháp dù ở nội tâm hay ở bên ngoài đều là duyên hợp, không có thực thể, nên gọi là vô ngã.

Bốn pháp quán này là pháp tu của Nhị thừa, gọi là quán Tứ niệm xứ.

Đến đây chúng tôi nói về Bát chánh đạo, đây là pháp tu của Nhị thừa, là căn bản của Phật pháp. Chư Tăng Ni đi thọ giới thường được hỏi về ba mươi bảy phẩm trợ đạo, trong đó Bát chánh đạo là gốc, gồm có:

1. Chánh kiến, 2. Chánh tư duy, 3. Chánh ngữ, 4. Chánh nghiệp, 5. Chánh mạng, 6. Chánh tinh tấn, 7. Chánh niệm, 8. Chánh định.

Trong Bát chánh đạo tuy không nói về tuệ, nhưng chánh kiến thuộc về tuệ rồi, còn chánh niệm chánh định thuộc về định. Vậy Bát chánh đạo là nền tảng của người tu Phật, chúng ta phải nắm cho thật vững, đó là con đường đi không thể quên được.

Tứ vô úy cũng gọi là Tứ vô sở úy, tức là bốn đức chẳng sợ, đây nói về bốn đức chẳng sợ của Phật, gồm có:

1. Có trí biết tất cả, nên chẳng sợ chi hết.

2. Dứt hết các phiền não, nên chẳng sợ chi hết.

3. Giải thuyết chỉ chỗ ngăn hại đạo, nên chẳng sợ chi hết.

4. Giảng thuyết dạy dứt hết các khổ, nên chẳng sợ chi hết.

Bốn đức này của Phật, người tu cần phải biết.

Thập lực của Phật gồm có:

1. Biết rõ nhân duyên quả báo trong mọi trường hợp.

2. Biết rõ nghiệp nhân nghiệp quả của mọi chúng sanh quá khứ, hiện tại, vị lai.

3. Biết rõ tất cả mọi cấp thiền định cạn sâu hướng đến giải thoát.

4. Biết rõ căn tánh hơn kém và quả báo nặng nhẹ của mọi chúng sanh.

5. Biết rõ những việc thiện ác và các dục vọng khác nhau của mọi chúng sanh.

6. Biết rõ hoàn cảnh, tình huống khác nhau của mọi chúng sanh.

7. Biết rõ sự vận hành các qui luật thiện ác.

8. Biết rõ các đời sống quá khứ.

9. Biết rõ các đời sống vị lai.

10. Biết rõ các lậu hoặc đã dứt sạch.

Về mười tám pháp bất cộng của Phật, trong Đại Phẩm Bát-nhã có nói:

1. Thân không lầm lỗi.

2. Miệng không lầm lỗi.

3. Niệm không lầm lỗi.

Thân, miệng và niệm của Phật không bao giờ lầm lỗi. Trái lại thân miệng và ý niệm của chúng ta thường lầm lỗi, cho nên chúng ta phải tu thật lâu mới có thể sạch được phần nào.

4. Bình đẳng cứu độ tất cả chúng sanh.

5. Tâm luôn luôn ở trong thiền định.

6. Tâm luôn luôn vắng lặng, an tịnh trước mọi cảnh khổ vui.

7. Tâm mong muốn cứu độ chúng sanh không nhàm chán.

8. Luôn luôn tinh tấn trong mục đích độ sanh.

9. Đầy đủ niệm lực.

10. Đầy đủ trí tuệ.

11. Đầy đủ giải thoát.

12. Đầy đủ giải thoát tri kiến.

13. Thân nghiệp luôn sống theo trí tuệ.

14. Khẩu nghiệp luôn sống theo trí tuệ.

15. Ý nghiệp luôn sống theo trí tuệ.

16. Biết rõ các đời sống quá khứ.

17. Biết rõ các đời sống vị lai.

18. Biết rõ hiện tại đã dứt sạch các lậu hoặc.

Mười tám pháp này gọi là Thập bát bất cộng vì chỉ đức Phật biết, còn tất cả chúng ta chưa ai biết được, cho nên không có cọng, không có chung.

Cho đến tám muôn bốn ngàn môn Đà-la-ni, Đa-la-ni là thần chú, tức là tám muôn bốn ngàn pháp thần chú. Tại sao Phật nói nhiều thần chú như vậy? Vì Phật đã ngộ đã chứng nên những điều Phật nói hay Phật làm, đều là cứu khổ độ sanh, giống như thần chú có diệu dụng làm cho người hết khổ, thế nên nói tám muôn bốn ngàn môn thần chú Đà-la-ni.

Trần trần sát sát, trần là bụi, sát là cõi nước.

Tất cả môn tam-muội đều từ nơi mình lưu xuất, mỗi mỗi đều đầy đủ. Tam-muội là chánh định. Dù cho bao nhiêu hạt bụi, bao nhiêu cõi nước, tất cả môn tam-muội đều từ chỗ giác ngộ của mình mà xuất hiện đầy đủ không có thiếu sót. Khi chúng ta tu đầy đủ diệu dụng, thì tất cả diệu dụng của Phật, từ từ chúng ta cũng sẽ có.

Tuệ đã đầy đủ, ban cho chúng sanh, nguyện lực không cùng tận, tự giác giác tha, tứ sanh và cửu loại, tất cả đều được thấm nhuần. Nếu tuệ mà không định gọi là càn tuệ (tuệ khô), định mà không tuệ gọi là si thiền.

Ở đây Ngài dạy cho chúng ta thấy rõ nếu chúng ta tu được định rồi phát tuệ thì định và tuệ hỗ tương nhau, nên chúng ta mới làm được những việc lợi ích cho chúng sanh, nào là ban cho chúng sanh những nguyện lực không cùng tận, nào là chúng ta tự giác rồi giác ngộ cho người, tứ sanh và cửu loại tất cả đều được thấm nhuần. Tứ sanh là thai sanh, noãn sanh, thấp sanh và hóa sanh. Cửu loại tức là chín loài, gồm có:

1. Loài sanh bằng trứng.

2. Loài sanh bằng thai.

3. Loài sanh từ nơi ẩm thấp.

4. Loài sanh bằng biến hóa.

5. Loài sanh có sắc.

6. Loài sanh không có sắc.

7. Loài sanh có tưởng.

8. Loài sanh không có tưởng.

9. Loài sanh không có tưởng, cũng không phải không có tưởng, tức là phi phi tưởng.

Nếu tuệ mà không định gọi là càn tuệ (tuệ khô), định mà không tuệ gọi là si thiền.

Nếu chúng ta tu mà chỉ dùng trí tuệ quán chiếu, tâm không an định thì gọi là càn tuệ tức tuệ khô. Còn nếu thiền định yên lặng mà không có trí tuệ gọi là si thiền, tức là tu thiền mà không sáng suốt.

Thiền có chia làm năm: 1. Phàm phu thiền, 2. Ngoại đạo thiền, 3. Tiểu thừa thiền, 4. Đại thừa thiền, 5. Thượng thừa thiền.

Đây là nói theo nhận định của ngài Tông Mật. Năm loại thiền này chúng tôi đã giảng trong cuốn Nguồn Thiền, nay xin nhắc lại.

1. Phàm phu thiền. Tu thiền định theo nhà Phật, tuy chứng được bốn thiền: sơ thiền, nhị thiền, tam thiền, tứ thiền, cũng gọi là phàm phu thiền, vì tu bốn thiền này người tu chỉ sanh từ cõi trời Sắc giới trở xuống thế gian thôi, chớ chưa giải thoát.

2. Ngoại đạo thiền, cách tu thiền này có hai trường hợp: một là tu để cầu thần thông, hai là tu không hướng về nội tâm, lại hướng bên ngoài để cầu trợ lực. Torng nhà thiền định nghĩa ngoại đạo thiền một cách đơn giản là ngoài tâm cầu đạo, tức là tu thiền mà không hướng vào nội tâm để an định, lại mong cái gì bên ngoài trợ lực cho mình.

3. Tiểu thừa thiền. Chúng ta đã biết qua rồi.

4. Đại thừa thiền là cách tu thiền của ngài Huệ Tư dạy cho ngài Trí Giả Đại sư về pháp quán Không Giả Trung.

5. Thượng thừa thiền hay Tối thượng thừa thiền, tức là Thiền tông.

Đây nói thiền, chính là Thượng thừa thiền vậy. Thiền này từ đức Phật Tỳ-lô-giá-na trải qua số kiếp bất khả thuyết bất khả thuyết đến đức Phật Thích-ca Mâu-ni. Đức Thích-ca truyền xuống cho hai mươi tám vị Tổ ở Ấn Độ và sáu vị Tổ ở Trung Hoa, rồi Tổ Tổ trao tay cho nhau truyền bá khắp nơi, tính không thể hết được. Các vị đều do giới này, định này, tuệ này mà được chứng ngộ, thật không có pháp nào khác.

Phật Tỳ-lô-giá-na là chỉ Phật pháp thân, mà Phật pháp thân là Phật sẵn có của tất cả chúng sanh, chớ không phải riêng một đức Phật nào.

Nói rằng: đức Phật Tỳ-lô-giá-na trải qua số kiếp bất khả thuyết bất khả thuyết đến đức Phật Thích-ca Mâu-ni, đó là một lối nói, thật ra Phật pháp thân đã có sẵn từ vô số kiếp, đức Phật Thích-ca Mâu-ni đã phát hiện và Ngài đã sống được, rồi chỉ dạy lại cho hai mươi tám vị Tổ ở Ấn Độ, sáu vị Tổ ở Trung Hoa và trao lần cho đến sau này. Tất cả người ngộ được, chứng được đều có đường lối chung như vậy.

Đến đây Ngài răn:

Này các chú! Các chú đã vào trong chùa làm ông đạo, làm học trò.

Chúng tôi thêm các cô vào cho đủ: Các chú, và các cô, quí vị đã vào trong chùa làm người tu, làm học trò…

Chỉ cầu danh dự mà chẳng chịu tham đến chỗ, cái gì là chỗ hạ thủ của Phật, Tổ?

Không chịu tham cứu cho cùng tột, xem chỗ nào Phật đã ngộ Tổ đã ngộ, tìm cho tột chỗ đó.

Cái gì là chỗ dụng tâm của ngoại đạo, Tiểu thừa? Chúng ta phải biết rõ Tiểu thừa tu thế nào, ngoại đạo tu ra sao.

Luống để cho ngày lại tháng qua, lăng xăng tìm cầu bên ngoài. Một phen cái chết đến rồi phải làm sao? Đâu là nơi an thân lập mạng? Vả lại, ba ngàn oai nghi tám muôn tế hạnh, chính mình không có một mảy may. Một hôm nào đó, vua Diêm-la đến, ắt không thể tha cho ngươi. Ngươi sao chẳng chịu xét lại, chớ lấy các việc trong mộng, rồi bác không nhân quả “mênh mang bát ngát chiêu ương họa”. Như thế chẳng những làm đồi bại tông môn, mà cũng khiến suy tàn chánh pháp.

Ôi! Tôi còn biết nói gì hơn!

Đây là lời khuyên nhắc của Ngài: Là người tu trong đạo, chúng ta phải tìm cho tận cội nguồn, chỗ chư Tổ đã ngộ, chỗ đức Phật đã giác ngộ và giải thoát. Kế đến phải thấy chỗ tu của ngoại đạo, chỗ thực hành của Tiểu thừa. Rồi chúng ta cố gắng tu cho vững, làm sao nơi mình có đầy đủ ba ngàn oai nghi tám muôn tế hạnh. Được như vậy chúng ta mới có thể thoát khỏi quỉ vô thường dẫn xuống vua Diêm-la. Chớ bác không nhân quả để rồi phải tự chuốc lấy họa, làm cho Phật pháp suy vi, đó là lỗi lớn ở chính mình.

Về ba ngàn oai nghi tám muôn tế hạnh, chúng tôi kể cho quí vị nghe. Đó là căn cứ vào hai trăm năm chục giới của Tỳ-kheo, phối hợp với bốn oai nghi đi, đứng, nằm, ngồi, thì được một ngàn oai nghi. Lại kết hợp với ba đời quá khứ, hiện tại, vị lai, thành ba ngàn oai nghi. Đồng thời phối hợp với bảy chi của thân và khẩu là sát, đạo, dâm, lưỡng thiệt, ác khẩu, vọng ngôn, ỷ ngữ thành ra hai mươi mốt ngàn, rồi phối hợp với bốn thứ phiền não tham, sân, si, đẳng phần, như vậy thành tám muôn bốn ngàn tế hạnh. Đây chỉ là con số tượng trưng, chớ không có lẽ thật.

Xem thêm: Nghề Thám Tử Là Gì ? Uy Tín, Hiệu Quả & Chuyên Nghiệp

Qua bài này Tổ Pháp Loa muốn cho tất cả người tu chúng ta phải đủ ba môn: giới, định, tuệ. Giới định tuệ viên mãn, chúng ta mới có thể thành công trên đường tu giác ngộ và giải thoát. Nếu trong ba môn mà thiếu một, thì khó được giải thoát. Trên đây dùng rất nhiều danh từ, chúng tôi chỉ nói đơn giản, chớ không giải thích hết được.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *