Đối ngẫu là một đặc trưng nổi bật của ngôn ngữ thơ ca. Roman Jakobson từng dẫn lời của Jerard Menly Hopkin đã nói một thế kỷ trước: “Có thể chúng ta có quyền nói rằng toàn bộ kĩ thuật của thơ ca đều qui về nguyên tắc đối ngẫu (song hành – parallelism). Cấu trúc của thơ là một phép đối thường xuyên, bắt đầu từ các cặp đối gọi là hình thức của thơ ca cổ điển và âm nhạc nhà thờ như hát đối, hát đuổi và kết thúc tuyệt vời với những câu thơ Hi Lạp cổ, thơ Ý, thơ Anh”. Đối ngẫu luôn gắn liền với thơ.
Đang xem: Nghĩa của từ Đối ngẫu là gì, nghĩa của từ Đối ngẫu trong tiếng việt
A. Vêxêlốpxki hiểu đối ngẫu trong quan hệ chủ khách quan, ông gọi là “song hành tâm lý”, nghĩa là con người tự phát hiện ra giữa con người và thế giới có một sự tương đồng nào đó, tựa như ẩn dụ. Chẳng hạn một câu thơ: Liễu xanh xanh sao không xanh mà trăng, Em xinh xinh sao không vui lại buồn. Đối ngẫu của ông là sự soi chiếu lẫn nhau giữa người và thế giới. vì thếa nó là đặc trưng của ngôn ngữ thơ ca.
Ở Trung Quốc từ xa xưa, tuy đối ngẫu đã xuất hiện tự nhiên trong thơ nhưng chưa được ý thức như một biện pháp thơ ca. Từ đời Hán, do Hán phú phát triển, phồn vinh với thể văn biền ngẫu mà dần dần đối ngẫu được ý thức. Trong Văn tâm điêu long Lưu Hiệp đời Ngụy Tấn đã viết đại ý thực chất của đối ngẫu là thể hiện của qui luật thực tại của thế giới khách quan. Trong thế giới các bộ phận và cơ thể đều có đôi, nam nữ, đực cái, hai tay, hai chân, bên phải, bên trái, bên trên, bên dưới… đều tự nhiên thành đôi, vì vậy mà văn có đối ngẫu. Nguyên tắc đối ngẫu trong phú đã tác động tới ý thức đối trượng trong thơ và đến đầu đời Đường, đối trở thành một nguyên tắc của thơ luật. Tuy thơ luật làm cho đối trở thành nguyên tắc riêng của nó, song đối ngẫu vẫn là nguyên tắc chung của ngôn ngữ thơ. Cho nên R. Jakobson cho rằng trên phương diện ngôn ngữ học, ngôn ngữ thơ thể hiện nguyên tắc đối trên mọi cấp độ, từ âm vị, hình vị, từ, cụm từ, câu thơ, khổ thơ… Chúng tôi đã viện dẫn ý kiến của Jakobson và Iu. Lotman nói tới vai trò của đối ngẫu đối với việc nâng cao chất thơ của thể thơ lục bát ở Truyện Kiều trong mục trước.
Sự xuất hiện của đối ngẫu trong Truyện Kiều có lẽ không giản đơn chỉ là do ảnh hưởng của đối trong song thất lục bát, ở đó do áp lực của đối trong cặp câu thất mà cặp câu lục bát cũng đối theo như ông Phan Ngọc nhận định. Bởi nếu vậy thì khi thể thơ chỉ thuần túy lục bát thì đâu còn áp lực ấy nữa? Thứ hai, đối ngẫu hay đối trượng (do nghi trượng của vua cúa thường thường tổ chức theo cặp đôi song song hai bên, quý nhân đi giữa, cho nên mượn chữ trượng). Đối trượng trong thơ Hán hình thành trên cơ sở các thể thơ có số câu bằng nhau, năm chữ, bảy chữ. Thơ lục bát với câu sáu câu tám so le nhau nói chung không thể có đối trượng được. Bởi đối trượng đòi hỏi hai vế có số chữ bằng nhau, cấu trúc ngữ pháp giống nhau, từ loại tương tự nhau. Đối ngẫu trong thơ lục bát có lẽ nên hiểu rộng hơn là do xu hướng ngẫu hoá, sóng đôi trong ngôn ngữ: từ đôi, từ láy, thành ngữ, tục ngữ, quán ngữ. Xu thế này cũng như trong âm nhạc, các nhịp 2/4, 4/4 đều có tác dụng chia chuỗi âm thanh thành từng cặp, từng cụm, đơn vị bằng nhau, gây ấn tượng vững chãi, nhịp nhàng và do nhu cầu tạo cảm xúc thơ, ngôn ngữ thơ. Nói đối ngẫu đúng hơn là đối trượng. Đối ngẫu trong Truyện Kiều là một hiện tượng đặc biệt, bởi trong truyện Nôm khuyết danh, dân gian không thấy có hình thức tiểu đối(1).
Sự phồn thịnh của phú Nôm từ thế kỉ XVIII cũng góp phần thúc đẩy xu thế đối ngẫu hoá trong ngôn ngữ thơ lục bát, làm cho nó thêm tự giác, một ý thức chưa có trong khúc ca dài Thiên Nam ngữ lục thế kỷ thứ XVII. Hiển nhiên đối ngẫu trong thơ trữ tình khác với đối ngẫu trong phú, một thể loại thiên về miêu tả, kể lể, liệt kê sự việc. Truyện Kiều là một tác phẩm tự sự, và có thể nghĩ rằng phép đối ngẫu đã nâng cao chất lượng tự sự, miêu tả nghệ thuật của tác phẩm.
Nói đến đối ngẫu như một biện pháp từ chương học cổ điển thì có thể đề cập tới hai phương diện: Cấu trúc và chức năng. Lưu Hiệp trong thiên Lệ cú nói tới bốn hình thức đối: đối lời thì dễ, đối việc thì khó, đối ngược (chọi) là hay, đối chính là xoàng. Đối lời là đối sánh từ ngữ suông; đối việc là nêu lên kinh nghiệm của con người. Đối ngược thì lý tuy khác mà thú lại đồng; chính đối thì việc tuy khác mà nghĩa đồng. Thực ra chính đối như câu: “Gác mái ngư ông về viễn phố, Gõ sừng mục tử lại cô thôn”, hai sự việc khác nhau mà nghĩa đồng thì rất thường gặp và vị tẩt đã xoàng. Đối ngược (phản đối) như “Chu môn tửu nhục xú, Lộ hữu đông tử cốt” (Đỗ Phủ) khắc hoạ sự đối lập trong xã hội, là danh cú truyền tụng xưa nay. Nhiều nhà nghiên cứu cho rằng thực tế có nhiều hình thức đối hơn. Sách Thi uyển loại cách nêu ra 8 hình thức đối. Đó là danh đối, dị loại đối, song thanh đối, điệp vận đối, liên miên đối, song nghĩ đối, cách cú đối, sai đối, giả đối. Có người còn bổ sung thêm tá đối, đương cú đối (tưc cú trung đối). Một số tài liệu khác còn nêu thêm các hình thức khác như hỗ thành đối, hồi văn đối, phú thể đối, ý đối. Hình thức đối trong thơ văn cổ điển Việt Nam về đại thể là tiếp thu kĩ thuật của thơ văn Trung Quốc, nhưng do có đặc điểm riêng về ngôn từ nên chắc chắn có những điểm khác nhau. Đáng tiếc là chưa được nghiên cứu và hệ thống hoá xem có bao nhiêu cách.
Người đầu tiên chú ý miêu tả nhiều hình thức đối trong Truyện Kiều là Tùng Vân Nguyễn Đôn Phục và Trúc Khê Ngô Văn Triện, kế đó là Đào Duy Anh (1943), tiếp sau là Xuân Diệu rồi mới đến Phan Ngọc. Phan Ngọc đã xét các hình thức đối ở qui mô số lượng (1985) và tầm quan trọng mĩ học của nó. Ông đã chia các loại đối trong truyện thành hai loại đối chính, như đối chọi (gồm đối chính và đối phản), đối cân, tương tự như đối lưu thuỷ, đối không chặt chẽ, bao gồm tất cả các loại đối còn lại. Loại đối cân có cội nguồn trong tục ngữ, trong lời ăn tiếng nói hàng ngày. Truyện Kiều chủ yếu dung phép đối cân, nghĩa là cốt số chữ bằng nhau, khác nhau, còn như bằng trắc, từ loại có thể xâm xi. Ông đã nói được điều rất cơ bản có giá trị khái quát. Chúng tôi xin bổ sung thêm về sự đa dạng về chức năng và cấu trúc của hình thức đối ngẫu trong Truyện Kiều. Đối ngẫu ở đây được hiểu là hình thức đối xứng nhằm tạo ra hiệu quả ngẫu hoá của ngôn từ thơ, chứ không phải là luật đối của thơ được hiểu một cách chặt chẽ như là đối trượng.
Đối ngẫu trong Truyện Kiều trước hết là đối ngẫu trong câu thơ, trong câu lục, câu bát (đương cú đối). Theo Lê Thanh, Nguyễn Đôn Phục đã để ý tới hiện tượng đối trong câu này. Ông nói: “Chỉ một phép Cú trung đối đã đủ cẩm tú cho trời đất Việt, châu ngọc cho muôn đời”! Lối đối này khác hẳn với luật đối trong thơ Đường là đối giữa hai câu trong một liên đối của bài thơ. Trong thơ Đường cũng có trường hợp đối trong câu mà người ta gọi là “đương cú đối”, nhưng thường chỉ trong phạm vi bốn chữ đầu của câu bảy chữ nên rất chật hẹp, không biến hoá. Bản thân câu thơ luật năm chữ, bảy chữ lẻ không thể có hình thức đối trong câu phong phú như câu thơ chẵn sáu chữ, tám chữ được. Do vậy trong thơ luật chủ yếu là đối trong liên, đối trong câu rất hạn chế. Sách Dung Trai tục bút cho biết lối đối này đã có trong Sở từ, đến đời Đường mới được sử dụng phổ biến, nhưng cũng chỉ ra các cặp bốn chữ: khởi phụng đằng giao, quế điện lan cung, thu thuỷ thiên trường, quế tửu tiêu tương, Từ điện thanh sương… Dung Trai thi thoại (tác giả là Hồng Mại ,1123 – 1203) đã chỉ ra các ví dụ đối trong câu của thơ Đỗ Phủ: “Tiểu viện hồi lang xuân tịch tịch, Dục phù phi lộ vãn du du”; “Thanh giang cẩm thạch thương tâm lệ, Nộn nhị, nồng hoa mãn mục ban”. Nhà mĩ học Tiền Chung Thư trong sách Đàm nghệ lục cho rằng Đỗ Phủ là người đầu tiên sử dụng lối đối này trong thơ luật.
Đối ngẫu trong câu của Truyện Kiều đa dạng hẳn. Nó có thể là 3/3, 4/4 hoặc đối trong từng bộ phận của câu 2/2. Phan Ngọc đã chỉ ra ba hình thức đối trong câu của Truyện Kiều là đối chọi (như Mai cốt cách, tuyết tinh thần), đối cân (như Ngựa xe như nước, áo quần như nen) và đối một phần trong câu, gồm các hình thức sau. Đối nửa đầu câu (như Phong lưu, phú quí ai bì), đối nửa cuối câu (như Trải bao thỏ lặn ác tà), đối giữa câu (Nghĩ người ăn gió nằm mưa xót thầm). Đây là nhận định khái quát. Nếu cụ thể hoá thêm trong mỗi loại còn có những dạng thức nhỏ hơn, đa dạng hơn. Điều quan trọng cần lưu ý là, nếu theo quy tắc chữ Hán, chỉ tính đối bằng trắc, còn trong tiếng Việt, còn có đối trầm (thanh huyền) và bỗng (thanh không dấu). Có khi chỉ cần đối xứng là được. Nếu chúng ta không quan niệm đối ngẫu một cách chặt chẽ mà hiểu như một hình thức đối xứng thì có thể kể thêm những hình thức khác nữa, làm cho câu thơ thêm đẹp. Chẳng hạn, đối hai đầu câu. Mỗi câu thơ mở ra hai cánh như cánh bướm, rất đẹp:
– Lời vàng vâng lĩnh ý cao
– Đời phồn hoa cũng là đời bỏ đi.
– Đào tiên đã bén tay phàm
– Một ngày nặng gánh tương tư một ngày
– Tử sinhcũng giữ lấy lời tử sinh
– Hết lời khôn lẽ chối lời
– Đá vàng sao nỡ ép nài mây mưa
– Tình sâumong trả nghĩa dày
– Ba sinh đã phỉ mười nguyền
– Cõi trầnmà lại thấy người cửu nguyên
– Chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài
– Một phen mưa gió tan tànhmột phen.
– Aitri âm đó mặn mà với ai
– Tình nhânlại gặp tình nhân
– Tương tri dường ấy mới là tương tri
Ở đây không còn tuân thủ nguyên tắc cấm kị “đồng tự trùng xuất”, nghĩa là cùng một chữ không dùng hai lần. Sự lặp lại hai đầu câu cùng một chữ như phản chiếu đối xứng qua một mặt gương có tác dụng nhấn mạnh và tạo nhạc điệu. Có trường hợp là đối với hai từ tương phản hoặc khác biệt.
Lại có khi trong một câu có hai cặp đối liên tiếp:
Sinh càng như dại/ như ngây
Giọt dài/ giọt ngắn/ chén đầy/ chén vơi
Lại có lối đốiđảo chữ, tách chữ:
Hoa trôi giạt thắm/ liễu xơ xác vàng.
Sớm năn nỉ bóng/ chiều ngơ ngẩn lòng.
Lại có hình thức đối hồi văn (hồi hoàn) như đối xứng qua một trục:
Thuý Kiều là chị/ em là Thuý Vân
Nayhoàng hôn đã/ lại mai hôn hoàng
Thương càng nghĩ/ nghĩ càng đau
Thân còn chẳng tiếc/ tiếc gì đến duyên.
Xem thêm: Nghĩa Của Từ Story Là Gì ? Nghĩa Của Từ Stories Trong Tiếng Việt
Ở đây chữ đầu vế sau lặp lại chữ cuối vế trước, hoặc đối lại chữ cuối vế trước (Như kiểu: Lá xanh bông trắng lại chen nhị vàng/ Nhị vàng bông trắng lá xanh).
Còn có hình thức đối cách từ, ví như:
Sông Tiền Đườngđó ấy mồ hồng nhan
Rộn đường gần với nỗi xa bời bời.
Một cườinày hẳn nghìn vàng chẳng ngoa.
Nói lờirồi lại ăn lời được ngay
Lại có câu đối lệch:
Sao cho trong ấm thì ngoài mới êm
Hai vế số chữ không bằng nhau.
Hình thức đối trong câu theo dạng đối xứng ở Truyện Kiều là phong phú nhất. Nó chỉ có được trong hình thức thơ có số chữ chẵn như lục bát. Thơ bảy chữ không thể có được. Do vậy nó có lẽ không phải là sản phẩm do áp lực đối trong cặp câu bảy chữ tạo thành mà do có cội nguồn đối ngẫu trong tục ngữ và lời nói hàng ngày. Đối giữa các câu cũng phong phú đáng kể. Ví dụ đối ý giữa câu 6 và câu 8, không cốt bằng nhau về số chữ:
Kiệu hoađâu đã đến ngoài
Quản huyềnđâu đã giục người sinh ly
– Người về chiếc bóng năm canh!
Kẻ đi muôn dặmmột mình xa xôi.
– Người về chung bóng loan phòng
Nàng ratựa bóng đèn chong canh dài
– Hoa tàn mà lại thêm tươi
Trăng tàn mà lại hơn mười rằm xưa
– Trong như tiếng hạc bay qua
Đục như nước suốimới sa nửa vời
Tiếng khoannhư gió thoảng ngoài
Tiếng mausầm sập như trời đổ mưa.
Lại có đối ở nửa đầu hai câu:
– Sè sè nấm đất bên đường
Rầu rầu ngọn cỏnửa vàng/ nửa xanh
– Nàng thì bằn bặt giấc tiên
Mụ thì cầm cập, mặt nhìn/ hồn bay
Ở hai câu tám trên đây, vế sau lại có tiểu đối, thế là hai câu có hai loại đối, mật độ rất cao: 1/1.
Lại có loại đối cách cú:
– Dặm khuya ngất tạnh mù khơi
Thấy trăng mà thẹn những lời non sông
Rừng thu từng biếc xen hồng
Nghe chim như nhắc tấm lòng thần hôn
– Khúc đâu đầm ấm dương hoà
Ấy là hồ điệp hay là Trang sinh
Khúc đâu êm ái xuân tình
Ấy hồn Thục đế hay mình đỗ quyên.
Trong văn học trung đại Việt Nam Truyện Kiều có tỉ lệ câu đối ngẫu cao nhất và hình thức đa dạng nhất: 862 câu đối trong tổng số 3254 câu, chiếm gần 27% và ở đây chúng tôi nêu lên 12 hình thức đối ngẫu. Còn có thể nhận ra những hình thức đối chìm ẩn hơn trong văn bản Truyện Kiều. Điều này cho phép ta nghĩ rằng Nguyễn Du không chỉ sử dụng phép đối, mà còn có cả một ý thức đối, cảm thức đối làm nền tảng cho quan niệm thẩm mĩ của ông về văn chương. Ông đã làm cho hình thức đối của thể lục bát phát triển đến tận độ, tạo thành thứ “lục bát tiểu đối” như cách gọi của Trúc Khê Ngô Văn Triện, làm nổi bật bản sắc tiếng Việt là thứ tiếng “ ưa nhịp chẵn hơn là nhịp lẻ” (Hoài Thanh)
Về chức năng của phép đối trong Truyện Kiều chúng tôi đã nói đến chức năng thơ trong tinh thần lý thuyết Jakobson tại bài “chất thơ trong Truyện Kiều”. Câu thơ tiểu đối làm nhạt ý vị ngữ pháp, mà nâng cao giá trị lien tưởng của ý thơ. Mặt khác câu thơ tiểu đối còn làm cho câu thơ luật lục bát trở nên tự do, thong thoáng, không bị gò gẫm, và vì thế mà them đẹp. Sau đây sẽ nói thêm nghiêng về chức năng tự sự.
Truyện Kiềulà tác phẩm tự sự bằng thơ. Câu thơ cố định và luật bằng trắc của nó không cho phép dễ dàng kể và tả chi tiết đời sống. Câu thơ nhiều khi buộc phải cắt bớt ý dài và kéo dài lời ra khi ý không cần thiết. Nhiều khi buộc phải thêm chữ độn. Câu thơ “Bộ hành một lũ theo liền một khi” trong Truyện Kiều là câu duy nhất vụng về trong 3.254 câu. Tài nghệ của Nguyễn Du là đã vận dụng thể thơ lục bát tài tình, điêu luyện, nhuần nhị, những câu không có đối vẫn tuyệt hay. Nhưng đối ngẫu với tư cách là một cấu trúc đem lại cho tác phẩm một khả năng biểu hiện thích hợp với nhận thức thẩm mĩ của thể loại.
Về tả người, hãy đọc lại chân dung chị em Thuý Kiều trong 16 dòng với 11 câu có đối ta thấy với mức độ cụ thể và loại chi tiết biểu trưng mà nhà thơ dùng thì diễn đạt bằng đối ngẫu là hay nhất. Nếu diễn đạt bằng văn xuôi thì nhạt, mà bằng lục bát không có đối thì không diễn đạt được, bởi vì đối ngẫu đóng vai trò liệt kê một cách nghệ thuật gọn gàng:
Vân xem trang trọng khác vời
Khuôn trăng đầy đặn/ nét ngài nở nang
Hoa cười/ ngọc thốt đoan trang
Mây thua nước tóc/ tuyết nhường màu da
Kiều càng sắc sảo/ mặn mà
So bề tài sắc lại là phần hơn
Làn thu thuỷ/ nét xuân sơn
Hoa ghen thua thắm/ liễu hờn kém xanh
Đối ngẫu làm cho phép liệt kê trong miêu tả cảnh vật thêm hài hoà, thời gian như chậm lại:
Kiều từ trở gót trướng hoa
Mặt trời gác núi/ chiêng đà thu không
Gương nga chênh chếch dòm song
Vàng gieo ngấn nước/ cây lồng bóng sân
Hải đường lả ngọn đông lân
Giọt sương gieo nặng/ cành xuân la đà
Phép đối ngẫu càng đắc dụng khi miêu tả những tình cảm, sự việc đồng thời giữa người này, người kia, giữa con người và cảnh vật:
Chập chờn cơn tỉnh/ cơn mê
Rốn ngồi chẳng tiện/ dứt về chỉn khôn
Bóng tà như giục cơn buồn
Khách đà lên ngựa/ người còn ghé theo
Dưới cầu nước chảy trong veo
Bên cầu tơ liễu bóng chiều thướt tha.
Khi kể những việc xảy ra đồng thời phép đối ngẫu phát huy tác dụng kì diệu: nhịp độ vừa nhanh, vừa đồng thời:
Ngại ngùng một bước/ một xa
Một lời trân trọng/ châu sa mấy hàng
Buộc yên/ quảy gánh vội vàng
Mối sầu xẻ nửa/ bước đường chia hai
Buồn trông phong cảnh quê người
Đầu cành quyên nhặt/ cuối trời nhạn thưa.
Khi kể những hành động đồng thời phép đối ngẫu có tác dụng truyền thần:
Sợ gan nát ngọc/ liều hoa
Mụ còn trông mặt/ nàng đà quá tay
Hoặc:Nàng thì bằn bặt giấc tiên/
Mụ thì cầm cập, mắt nhìn/ hồn bay.
Xem thêm: Supported Là Gì ? Tìm Hiểu Về Công Việc Support Và Các Vấn Đề Liên Quan
Có thể nói đối ngẫu cùng điển cố, sóng đôi, ẩn dụ là những biện pháp tu từ tiêu biểu cho phong cách học cổ điển của Nguyễn Du trong Truyện Kiều, trong đó đối ngẫu đã góp phần làm cho nghệ thuật tự sự sắc nét, hài hoà, giàu nhạc tính, vừa tạo thành chất thơ đậm đà cho tác phẩm, vừa làm nên vẻ đẹp trau chuốt tương xứng cho lời văn. Nếu ẩn dụ, điển cố làm ngôn ngữ Truyện Kiều trở thành ngôn ngữ của biểu tượng, nội tại thì đối ngẫu làm cho tác phẩm thấm nhuần chất nhạc, vừa giàu có chất hoạ hài hoà, vừa nhiều tương phản, tương xứng nhịp nhàng, cân đối, đầy nhịp điệu, một phẩm chất không thể thiếu của mọi ngôn ngữ nghệ thuật đích thực.