TTCT – Tảng sáng, hĩm Mỡ đi tháo nước chân ruộng cao, qua miếu Ông Trôi bị bàn tay cứng cáp kéo vào trong. Chửa kịp kêu trời, tay ấy chụp lên mồm. “Téo đây. Téo đây mà”.Bạn đang xem: Thân sinh là gì
“Làm người ta hãi, suýt tè dầm”, Mỡ khúc khích. “Đâu? Dầm ở đâu? Chỗ này với chỗ nào nữa?”, miệng nói, tay Téo lục lọi khi phẩm oản lúc đám rơm, khiến Mỡ nhột quá cứ “Khí gió khí gió” mãi.
Đang xem: Thân sinh là gì, thân sinh nghĩa là gì
Phóng to |
Minh họa: Hoàng Tường |
Đang lúc xuân tình dâng giáp đỉnh non, chính Téo phải bụm miệng Mỡ lại. Ngoài kia đám vịt cạc hành tiến, con đĩnh đạc giữa đàng, con vòng qua bụi chuối, lũ láu cá ùa xuống ao chổng đít mò ốc. Lão Củng tay khua cành rong ùa ùa chặc chặc, tay khư khư tích nước điếu cày đi sau cùng, oai phong như viên đại tướng. Mỡ nghển lên cười: “Tưởng ai. Ông Củng điếc lòi, em có rực mỡ nữa cũng chả biết”.
– Nhỡ mà ông ý trông thấy – Téo cẩn trọng.
– Có hét lên cũng chả ma nào lại. Ấp úng, vợ bảo lão suốt ngày nhai hột thị. Ấy ấy kìa…
Thốt cái đã ra cấm khẩu. Téo nhìn theo hướng đôi mắt đang lác xệch của Mỡ, mồm cũng đâm méo đi. Trên ban thờ Ông Trôi, bài vị rung bần bật, nghiêng ngả mà không đổ hẳn. Quả táo ủng trên mâm bồng nhảy phóc xuống đất, đĩa trầu cau vỡ tan. Có lẽ nào đoàn quân của lão Củng vịt làm được cơn động đất.
Lão Củng khuất bóng sau cây quất hồng bì cổng làng thì đất hết rung. Téo kéo Mỡ ngồi dậy, bao nhiêu mầm tình rụt lại không kéo ra được.
***
Làng Bùm là đất trại thuộc tổng Nhu Liệt, nằm dưới chân núi Mua, xa xa uốn lượn dòng Củi. Đất mới khai canh, có gì thờ đó, khi ông nhặt cứt trâu lúc trẻ ăn mày chết tha phương, sau được Ông Trôi thương, dạt về cho mới có danh vị để sì sụp phụng sự. Ông Trôi gọi nghiêm cẩn là Danh Thắng Hùng Cường Đại Đại Tướng quân, mấy trăm năm trước phò vua diệt giặc, bị nó chém cụt đầu, tế ngựa về đến nguồn sông Củi có bà cụ bảo: “Đây rồi đây rồi… Ngài có hương hỏa ở đây, chả xuống mà yên hưởng còn chạy mãi”.
– Ta có đất hương hỏa ư?
Nói rồi ngã xuống. Dân đem chôn cất, đem vào đình lập làm Thành hoàng, xin vua cho sắc phong. Được ít năm trên ấy lụt to, mộ lở, xác không đầu trôi theo sông Củi về Bùm thì tấp lại, tươi như mới mất, dân trại rước về xây miếu thờ, gọi nôm na Ông Trôi. Mấy chữ “Danh Thắng Hùng Cường Đại Đại Tướng quân” trên bài vị chỉ mấy người đọc được, xướng lên tế Ngài ngày hội làng.
Những điều trên đều do ở mồm khóa Đãi mà ra. Đãi là con ông Đò, cháu cụ Đưa, ba đời sôi kinh nấu sử chỉ qua được chân khóa sinh, thi cao hơn cứ ngã oành oạch. Biết phận, Đãi chỉ dùi mài tiếp gọi là có miếng chữ bán cho trẻ trong làng độ nhật, thi thoảng chủ tế lúc có đám. Nhưng ở Bùm thế là bố tướng nhất, nên ngoài ba mươi đã được làng cử vào hội tư văn tổng, kỳ lễ lạt ngồi cùng chiếu lý mượn lý mua và các đấng mọc răng trước.
Bình thường sự hương khói miếu Ông Trôi rất đơn giản, mụ nạ dòng cả tin dâng phẩm oản hòn xôi vừa quay đi, đám trẻ xấc xược rinh ngay xuống mà chả bị vật bao giờ. Cho nên cu Téo mới dám kéo hĩm Mỡ vào miếu làm ô uế. Chuyện vỡ ra, làng phạt vạ. Nhưng Téo cứ cãi không phải tại cháu, chắc gì Ông Trôi đã giận, bèn bắt hai đứa ra miếu nhắc lại trò dâm ô, trước mắt tiên chỉ các cụ.
Lạ thay, chúng nó cứ chùn chụt chùn chụt mà bài vị ngay thẳng, mấy chén nước và thức quả trên mâm bồng yên phắc. “Thôi thôi lộng giả thành chân, ngứa mắt chúng tao lắm!”, thày lý Kiểm phải quát lên.
Đúng lúc ấy thì đoàn quân của đại tướng Củng diễu qua. Rầm rập. Quạc quạc. Hôi hám, bụi mù. Bài vị lập tức quay tít, chén nước mưa cùng ngũ quả chổng chênh, dựng lên lại đổ lại xoay. Đám ấy qua rồi thời ban thờ yên được.
Mấy hôm rình, đều thế. Động lớn rồi!
Đôi trai hư gái đốn thoát tội nhưng không thoát được mâm rượu, biện lên cho làng bàn đại sự. Và phải lấy nhau ngay lập tức, kẻo mà mang tiếng Ông Trôi quá lắm.
Sự đột ngột quá, ai nấy đều trầm ngâm. Du thần là gì, bản quán là gì, chúng dân Bùm vô sư vô sách không thủng, nhưng nhất định phải có một vị để thờ. Khốn nỗi làng mới, chưa ai công tích ra trò, biết lấy ai bầu chọn ai lên ngồi trên ban. Làng chửa có đình như nơi này nơi nọ, dù chỉ là ngôi miếu, vẫn cần thần chủ. Không có tức là chả tiên sư thánh sư nào, ra không gốc rễ, tổng nọ xã kia nó khinh cho thối mũi ấy chứ lỵ.
Nghĩ đoạn vác mồm đi ăn nơi nơi, không dám mời họ về khao lại vì chả biết cúng bái, thờ phụng ai, đắng lòng lắm. Không lẽ đem ông gắp phân với trẻ ăn mày lên sì sụp lạy.
Xem thêm: Cách Phân Biệt Tụ Ngậm Là Gì, Tác Dụng Của Tụ Ngậm Và Khi Nào Dùng Tụ Ngậm
Nhà Téo Mỡ phải biện đến mâm thứ mười mới nhất trí. Cũng lại từ mồm khóa Đãi ra. Ấy là lão Củng. Chính là lão chăn vịt, không dưng Danh Thắng Hùng Cường Đại Đại Tướng quân níu lại để trao chức vị còn là gì. Có vịt hay không có, hễ lão đi qua là bài vị nhảy cả lên, không ra thay thế thì ra thế nào. Lắm nơi thờ người đang sống sờ sờ, mình vầy vậy cũng được chứ sao.
Bùm ngẩn ngơ, đấu lý rồi đấu tình. Nghị sự mãi khiến nhà Mỡ Téo suy sụp, con ra càng sòn sòn càng đánh cãi nhau. Mặc lòng, làng phải có vị để thờ, như cái cây có gốc rễ, rễ bèo rễ rong ta cứ vun lên kẻo bên trên ngọn kếnh kềnh ra. Khóa Đãi xem ngày tốt, bắt Củng tắm táp kỳ hết mùi vịt, ra miếu cho làng tôn xưng. Lão chăn vịt không thể chễm chệ trên ban thờ, đành ngồi bên dưới, đằng trước, cho tiên chỉ hào lý vào lạy.
Bên trên, bài vị ghi “Sinh thần là Củng” rất chi sơ sài. Nhưng văn tế do khóa Đãi soạn tôn lão lên hàng sang trọng, liệt tổ suýt làm tuần phủ, thân sinh ưa làm phúc, bản thân Thần thật là hiền hậu, làm nghề cần kiệm khiêm nhường, bao nhiêu quan lộc từ chối hết. Quan viên hàng tổng, chức dịch làng bên nghe vậy ừ vậy, còn dân Bùm, từ nay có vị Thành hoàng chả giống ai, cầm lòng bái lễ.
***
Củng đạp đành đạch khi bị điệu từ ngoài đồng về, khiêng lên bệ trước ban thờ miếu Ông Trôi, giờ thành miếu Ông Củng. Khóa Đãi phải gí mồm vào tai lão dằn giọng vứt ra sông Củi giờ, mới ngồi yên cho làng sì sụp. Ngứa ngáy lắm, cẳng chân lội bùn lâu ngày gãi tróc da, vảy rơi trắng bệ. Rồi xôi oản thủ lợn rượu tăm bưng ra, mình một mâm trên, lão lạy chánh Đình, lý Kiểm, khóa Đãi lên ngồi cùng, bèn tì tì chén. Chả có bao giờ được căng rốn thế, đến nỗi làng phải khiến trai đinh khiêng Thành hoàng mới về nhà, kẻo muỗi nó khiêng Ngài đi.
Ngày rằm ngày một, bữa đứa chửa hoang, hôm thằng trốn thuế, việc làng nhiều luôn được máy mắt ăn xôi máy môi ăn thịt. Bù lại lão chả được gãi, hút thuốc lào hay ngủ gật theo ý. Chả trốn đi đâu được, thôi thì ngồi yên cho chúng nó sai mình dựa mình. Được cái Thành hoàng Củng không vô tích sự hoàn toàn.
Nhà nọ con nổi mề đay gãi toét da, đến cạy. Ngài sai lấy lá lốt bọc cứt trâu đặt chỗ cỏ rậm, thân đến nơi thắp hương khấn “Lạy ông Tịt bà Tịt, ăn cỗ cứt trâu ăn trầu lá lốt đừng đốt con tôi”. Những chỗ rậm rạp phát đi cả, giát giường đem phơi, hơ lửa khe kẽ rồi đốt manh chiếu mục. Thằng bé đâm hết khóc.
Lại những đoạn sản phụ tắc sữa, Ngài ghé mồm mút chùn chụt. Ả vắng chồng đêm vần cối huỳnh huỵch bị quất roi dâu vào đít.., những cách trị giản đơn mà ứng nghiệm. Lạ nhất là chuyện trương tuần Nải. Nhà có mẹ già nghiện trầu, mà cây chay ra tí ti rễ, chả đủ ăn. Ngài đứng dưới giả cách khảo gốc cây: “Có ra rễ không thì bảo?”. Nải ngồi bên trên đáp. “Dạ, có!”. “Ra nhiều hay ít?”, bên trên lại. “Ra cả làng ăn không hết”.
Từ đấy cây chay ra rễ đầy vườn, mẹ Nải đem cho cả làng. Bùm trở thành đất nhuộm vải, nước rễ cây chay ăn vào vải bền màu đố nơi nào địch được. Nghề ấy đem lại mối lợi. Chợ quê nào cũng có thợ nhuộm Bùm, đem tiền về cúng miếu Ông Củng, xong chia lại cho kẻ khó.
Đất trại vụt nhuận sắc, mặt người già rờ rỡ, tiếng trẻ nô í a đến là vui tai.
Phú quý rồi thì phải tế lễ nhộn nhịp chứ. Bèn bàn xây đình mới, đất đúng ngôi miếu cũ, Đức Thành hoàng dĩ nhiên là Củng. Sau ba năm đình Bùm hoàn thiện, giữa hình cái vồ xung quanh tả hữu mạc, cả nhà hậu với tam quan. Trên bài vị ngự khúc rễ chay phủ vải đỏ, bệ dưới ông Củng ngồi, tha hồ sì sụp.
***
Chuyện trong truyện được kể bằng điệu nói dân dã với những ngữ cú rề rà, đủng đỉnh, với những tên đất tên làng tên người nôm na, mộc mạc, với bầu không khí nhuốm vào huyền tích, hư hư thực thực. Sinh thần là gì? Xưa lăng mộ xây sẵn cho người đang sống thì gọi là sinh phần. Thế “sinh thần” là ban thờ lập nên cho người được phong thần phong thánh mà đang hiện sinh. Nhưng “sinh thần” cũng có thể nghĩa là đẻ ra thần thánh giữa cuộc đời lầm lụi, nhếch nhác. Dân thờ ai, ai thờ dân, Thành hoàng tên nôm hay tên chữ, lên ngai hay xuống ruộng, mọi chuyện cứ là xoay đảo đảo xoay trong đời. Đọc truyện mà thấy ra cái cười tủm tỉm rất riêng của tác giả ngoài đời làm thành cái cười hóm hỉnh thâm trầm trong văn. Nhà văn, nhà báo Trần Chiến là con trai nhà cách mạng và nhà sử học Trần Huy Liệu (1901-1969). Anh đi lính xong về học văn rồi ra làm báo, viết văn. Tác phẩm của anh đã có Con bụi (tập truyện), Đường đua (tập truyện), Bóng nước (tập truyện), Cõi người (truyện chân dung), Bốn chín chưa qua (tiểu thuyết), Đèn vàng (tiểu thuyết)… |
Bùm trở thành làng văn hiến, chạy quan phủ cho tách khỏi tổng Nhu Liệt lập xã mới, nhưng việc ấy không thành. Xin cho Thành hoàng tước Thượng Đẳng Thần, trên phán có đâu nhẽ thế.
Xem thêm: Standee Là Gì ? Kích Thước Chuẩn Và Các Loại Standee Phổ Biến
Từ thần miếu lên thần làng, cái sự thăng thiên biến ra muôn hình vạn trạng. Lão chăn vịt chả chữ nghĩa gì, có người kêu xin nguệch ngoạc ra giấy mấy nét, khóa Đãi “dịch” lại, là do bệnh tật ở đâu cơn cớ gì hàng xóm đánh cãi nhau, phải biện lễ những gì. Vào chợ, đi thi, mở trường, ăn khao đều định suất. Một chân nhiêu bán mươi nồi thóc. Vợ ốm để khỏi kỳ đắp đê thời đào ao lợp nhà cho hào lý. Thậm vô lý là cây chay mọc trong vườn nhà mà Nải muốn róc rễ phải biện chục cỗ lòng cá lăng cụ, lên mãi nguồn sông Củi mới câu nổi, vì thịt thà mãi làng oải rồi.
Tòa ngang dãy dọc mọc lên bên những lụp xụp bần tiện. Việc ăn chia chả phải lúc nào cũng toại ý ai ai, nên có kẻ thối mồm đặt vè Con nghé đang khỏe, xua vào hố nẻ, đem về làm thịt, được ba mâm đầy, quan viên ăn một, khóa Đãi ăn hai, nhúm lông khó nhai, đem biếu ông Củng, Củng hỏi con gì, con nghé đang khỏe… Bọn trương tuần hương dõng đi tìm, khảo hèo con trẻ, đứa nào cũng “không phải cháu”, tiếng khóc mếu cứ inh ỏi dòng Củi.
Thần hoàng phải xa vợ, kiêng thịt chó, tiết canh lòng lợn. Cả rượu. Không được ùa ùa chặc chặc nhảy cỡn lên. Thế thì chết đi cho xong. Cảm thông với Củng, khóa Đãi bàn với quan viên “hành thì cứ hành nhưng ngôn bất khả ngôn”, nhất trí để lão được ăn vụng. Mà Củng không biết điều, lắm hôm hành lễ mùi mắm tôm chanh dậy át cả khói nhang.
Lão béo ra, năng tắm giặt nên đỡ hôi hám, nhưng đám vẩy ở chân không tẩy được. Và nhớ đàn vịt quá thể. Bèn thảng hoặc cho người lùa sẵn đàn ra đồng, Thành hoàng lẻn ra sau tha hồ rì rì cạc cạc. Nhìn chúng rỉa lông, chổng phao câu trên mặt nước, mặt Ngài ra ngơ ngơ, chốc nhát lủi thủi về đình leo lên bệ. Nếu không được vậy y như là có chuyện, như nhất định bảo khóa Đãi dịch bố láo bố toét, hoặc thịt thiu rượu khê nước mắm không hâm đổ cho chó nó ăn.
Tệ nhất là đồng áng cần nước cấy, Củng đòi ngăn sông Củi kẻo thánh quở. Núi Mua rậm rạp làm vậy, Ngài khiến phát đốt cho quang quẻ để lộc trời đổ vào làng. Lộc đâu chưa thấy, mỗi trận mưa lũ trôi tuột nhà, cánh đồng đầy đá to tầy con trâu.
Bùm bỗng ra không đủ ăn, phải đi đong gạo ngoài.
Cây chay nhà Nải xùm xòa tươi tốt là thế, bị tận thu không đâm kịp rễ. Dịp tết Trùng thập nó đổ ùm. Thế là hết cái lộc làng. Đến tiền đong gạo ngoài cũng chả còn.
***
Đói kém đổ đến cũng nhanh bằng khi phất lên, phong cảnh làng tiêu điều hơn thời còn miếu Ông Trôi đơn sơ. Người Bùm lang bạt kiếm ăn xa, rất xa, toàn làm đầy tớ bưng bô rửa đít. Thôi thì lại phải lập đàn cầu khiến, phí tổn bòn vét đũng khố thằng đánh giậm. Nhưng Đức Thành hoàng Ngài không linh ứng nữa, có dễ do lễ biện chỉ đủ một mâm.
Lại bàn kín, chỉ trong cụ chánh, ông lý với thầy khóa, rằng thằng chăn vịt hết thiêng rồi, thay Thành hoàng khác đi. Nhưng bầu ai tôn ai thì không ra, cứ cãi nhau vặt rất tốn đóm. Đâm ra giữa đàn con hôi hám, nhìn bụng Mỡ đã lại lùm lùm, Téo phải than: “Chỉ vì sáng ấy rửng mỡ mà giờ chả biết lấy gì bỏ miệng đây”.