Trong bài Pháp thoại này, Thượng tọa đã giúp mọi người phân biệt sự khác nhau giữa chứng Thiền và chứng Thánh. Đồng thời, chỉ rõ tiêu chuẩn, dấu hiệu, những điều kiện để đắc đạo. Từ đó, mọi người có cái nhìn đúng đắn về sự chứng ngộ của các bậc Thánh, và vạch ra mục tiêu tu tập đi đúng với con đường của Đức Phật.
Đang xem: Đắc Đạo là gì, nghĩa của từ Đắc Đạo
Mở đầu bài Pháp, Thượng tọa khẳng định chúng ta đã được nghe rất nhiều câu chuyện liên quan đến Đức Phật và các vị Thánh, nhưng hầu hết chúng ta chỉ nghe kể về giây phút đắc đạo thiêng liêng, huy hoàng. Nếu không, thì đó cũng là liệt kê mật độ đắc đạo dày đặc từ kiếp này đến kiếp khác chứ ít nhắc đến thời gian tu tập trước khi chứng ngộ của các vị ấy. Vậy nên, ta có cảm giác cứ tu là rất dễ đắc đạo.
Tuy nhiên, tu theo đạo Phật, ta không được phép vội tin vào những điều ấy mà phải dùng trí tuệ, khoa học để suy xét, nhìn chính xác mọi việc. Cái quan điểm “yêu cầu tín đồ gạt bỏ niềm tin qua một bên, dùng lí trí để tu cũng là sự khác biệt to lớn giữa đạo Phật và các tôn giáo khác. Nên ta thấy, đệ tử Phật càng tu càng chững chạc, điềm tĩnh, không có kiểu cảm tính hay dùng niềm tin để phán đoán, đánh giá.
Thật vậy, tính ra chứng quả Tu Đà Hoàn trong hàng Tỳ kheo, cư sĩ rất đông nhưng số người đắc đạo chính xác chỉ có ở thời Đức Phật. Ngay ở thời Đức Phật, không chỉ các bậc tu sĩ mà đã có nhiều bậc nam cư sĩ và nữ cư sĩ, tu hành giữa đời thường, đạt được sự giác ngộ như: vua Bimbisāra; vua Tịnh Phạn (Suddhodana); ông Cấp Cô Độc (Anathapindika); bà Visākhā v.v… – là những cư sĩ rất nổi tiếng thời Đức Phật còn tại thế. Các vị xứng đáng là một tấm gương sáng chói cho các thế hệ Phật tử mọi thời đại, đặc biệt là hàng cư sĩ noi theo.
Tuy nhiên, về sau, mật độ đắc đạo giảm dần. Việc chứng quả Thánh dường như không có, chỉ có chứng Thiền. Người chứng Thiền mà tưởng mình đắc đạo thì thật là một hiểu lầm lớn. Nếu không nhận biết rõ sự khác nhau giữa 2 quả chứng này, ta dễ bị ngoại đạo dẫn dụ mà không hay.
Thượng tọa cho hay, ngoại đạo cũng có tu thiền, định tâm, có thần thông giống như chứng thiền trong đạo Phật. Nhưng phải chứng được quả Thánh trong đạo Phật thì lời nói mới bắt đầu chuẩn mực, bắt đầu giống Đức Phật ngày xưa. Vậy nên, ta phải cố gắng hiểu rõ giữa việc chứng Thiền và chứng Thánh.
Đầu tiên, người chứng Thiền định được tâm ở tầng tâm thức rất sâu nên khi ngồi thiền thấy tâm mình yên. Nhưng tâm yên mà nghĩ mình chứng Thánh là sai. Việc tự đánh giá, phong mình là Thánh khiến ta bị tổn phước, thậm chí bị điên. Ta không biết chứ sự chứng ngộ trong đạo Phật rất vĩ đại, sâu xa hơn chứng Thiền. Đẳng cấp giữa phàm phu và bậc Thánh cũng khác xa nhau, nên khi thiền đạt được một số trạng thái vi diệu, sáng suốt kì lạ, ta đừng nghĩ mình đã chứng gì.
Thứ 2, thiền định, sự định tâm hỗ trợ cho đạo đức rất lớn nên ai chứng Thiền mà có căn cơ thì tăng trưởng thêm một số đạo đức. Người chứng Thiền cực kì thánh thiện cũng chỉ định được tâm, có cảm giác an nhiên tự tại, bất cần, không ham muốn chứ không thành tựu đạo đức. Cho nên, đạo đức của họ không sâu lắm, không đủ chứng quả Thánh.
Người chứng Thánh trong đạo Phật cũng định được tâm, cũng an nhiên tự tại. Đặc biệt, đạo đức họ cao vời, sâu thẳm. Họ giữ được tình cảm cao thượng, có trách nhiệm với chúng sinh, với cuộc đời chứ không bất cần, phớt lờ như người chứng Thiền. Nên những khái niệm về đạo đức như diệt trừ tham, sân, si; diệt trừ cái kiêu mạn, hoài nghi, ích kỉ,…buộc người chứng Thánh phải hóa giải cho được.
Nghĩa là người nào hay nói những điều tự tại, nằm trong khái niệm tự tại bất cần thì người đó chứng thiền. Người nào mà nghe Phật nói về các khái niệm đạo đức mà phát triển được lòng từ bi, diệt trừ được kiêu mạn, tham, sân, si thì đi về chứng Thánh. Hai quả này khác nhau. Thêm nữa, chứng thiền có 4 tầng bậc: Sơ thiền, Nhị thiền, Tam thiền, Tứ thiền. Còn chứng Thánh thì có 4 Thánh quả: sơ quả Tu Đà Hoàn, nhị quả Tư Đà Hàm, tam quả A Na Hàm, tứ quả A La Hán.
Như vậy, người tu chứng trong đạo Phật không đột ngột chứng cao mà luôn phải chứng từng bước. Vậy nhưng, thời Đức Phật cũng có những trường hợp chứng cao siêu nghe rất đột ngột. Sau thời Đức Phật, nhiều người miệt mài đi tìm vị Thiền sư có thể giúp mình ngộ đạo ngay. Đây cũng là căn bệnh kéo dài của thiền tông Trung Hoa. Cuối cùng, cũng có một vài người thành công. Nhưng phần lớn đều là mất hết phước mà không có kết quả gì.
Thượng tọa nhấn mạnh, cái tâm nghĩ dễ tu dễ chứng là cái tâm sai, nó khiến ta tổn phước nặng nề ngay từ khi bắt đầu tu. Từ hôm nay, ta phải gỡ ý niệm đó ra khỏi tâm mình. Vậy tu chừng nào thì đắc đạo? Mọi người đừng để ý đến thời gian bởi nó không có ý nghĩa gì lắm, cơ bản là phụ thuộc vào căn cơ của mỗi người. Tức là bề dày của tiền kiếp, thời gian gặp Đức Phật, sự tinh tấn khác nhau thì thời gian đắc đạo của mỗi người cũng khác nhau, không có con số cụ thể chính xác nào cả.
Xem thêm: Chuyển Vùng Dữ Liệu Là Gì – Cách Bật Tắt Chuyển Vùng Dữ Liệu Nhanh Nhất
Nói cách khác, thời gian là một tham số, nhưng trong khoảng thời gian đó, ta làm được những công đức gì, tinh tấn tu hành ra làm sao lại là một tham số khác. Do vậy, tham số thời gian không đủ ý nghĩa để xác định ta đắc đạo hay không. Ta chỉ biết mình cứ phải tu đến khi đắc đạo thì thôi. Vậy đâu là tiêu chuẩn, dấu hiệu để gọi là đắc đạo?
Lý giải về điều này, Thượng tọa cho biết: chừng nào công hạnh của ta cảm động cả trời đất thì ta mới có thể chứng đạo. Và để cảm động được đất trời, ta phải đạt được 3 điều. Đầu tiên, ta phải có một nội tâm đạo đức sâu dày, gần như không còn lầm lỗi. Tức là ta đạt được lòng tôn kính Phật tuyệt đối, lòng thương yêu chúng sinh vô hạn, sự khiêm hạ tột cùng, ứng xử với chúng sinh tử tế, đúng đắn,…
Thứ 2 là phải cống hiến cho cuộc đời bằng những hành động thực tế, cụ thể; mang lại nhiều lợi ích cho chúng sinh. Tức là tâm phụng sự, yêu thương của ta phải là tuyệt đối, vô hạn, không bao giờ dừng lại hay có cái gọi là đủ.
Thứ 3, ta phải yêu thích thiền định, lúc nào cũng phải tinh tấn, miệt mài. Đây chính là dấu hiệu chín muồi để đi quả Thánh. Dù làm gì thì tâm vẫn luôn thích ngồi thiền, đó là dấu hiệu đúng. Và chắc chắn, trong tâm đã nhiếp được gì đó rồi. Đây cũng là sự khác nhau giữa chứng Thiền và chứng Thánh. Nghĩa là, người chứng Thiền chỉ nghiện thiền, lúc nào cũng miệt mài ngồi thiền. Người chứng Thánh luôn cân đối thời gian, khả năng của mình để vừa phụng sự cho Phật pháp, hóa độ chúng sinh, vừa tinh tấn thiền định.
Bây giờ, nhìn vào 3 điều này ta có thể tự đánh giá mình và người khác xem đã đi đến giai đoạn nào, đủ để cảm động trời đất chưa. Đây cũng là căn cứ để ta nhận biết xem các vị Thánh giữa cuộc đời là Thánh thật hay Thánh đồn. Nếu may mắn ở gần một vị Thánh thật, ta lúc nào cũng cảm thấy yên tâm, nương tựa để tu học theo. Còn ở gần vị Thánh đồn, ta phải đề phòng, cảnh giác bởi họ tiếp cận ta chỉ để lợi dụng nhằm đạt được ý đồ xấu nào đó.
Để cảm động được đất trời, ta phải viên mãn được đủ 3 điều kiện trên, không được thiếu một yếu tố nào. Thật khó để ta thành tựu được ngay. Như yếu tố đầu tiên, muốn đạo đức sâu dày, ta cũng phải mất rất nhiều thời gian, công sức. Ngày nào cũng phải lễ kính Phật, giúp đỡ chúng sinh, làm nhiều công đức. Lúc nào cũng phải rình rập cơ hội để cống hiến, phụng sự, giúp đời. Và phải có tâm lắm mới không để cơ hội làm phước vuột qua mất.
Tuy nhiên, do khả năng, năng lực mình hạn chế nên nhiều khi muốn phụng sự, cống hiến cũng không được trọn vẹn. Đồng thời, việc đối nhân xử thế cũng còn nhiều sai xót, không thể hoàn hảo. Phải đến khi chứng quả A La Hán thì ta mới hết lỗi hoàn toàn, tôn kính Phật tuyệt đối, đạo đức sâu dày.
Tiếp đến, muốn có yếu tố thứ 2, ta phải đạt được yếu tố đầu tiên. Tức là công hạnh chỉ xuất hiện khi ta quá đạo đức. Nếu không có đạo đức, ta cũng không có công hạnh luôn.
Cuối cùng là thiền định, đây là cái lõi căn bản của người tu hành trong đạo Phật. Yêu cầu đầu tiên với người tu thiền là phải đúng phương pháp. Tinh tấn mà sai phương pháp thì tu bao lâu cũng không có kết quả. Đúng ở đây là đúng ở mức độ tuyệt đối vì thiền cũng là một môn khoa học, không cho phép ta có sai số. Nên khi tu, ta cố gắng tìm thiền đúng ý Phật nhất. Nếu may mắn, tìm được vị thầy đúng thì ta tu nhanh. Do vậy, ta phải xin Phật gia hộ cho mình tìm đúng vị thầy.
Trong cái đúng phương pháp thì hướng về vô ngã là cái đúng đầu tiên. Tu mà làm tăng bản ngã, càng tu càng kiêu mạn thì cuộc đời ta tan vỡ liền. Nên ta cố gắng lấy mục tiêu vô ngã, càng tu bản ngã càng mỏng, đạo đức tăng dần. Tiếp đến, phải biết rõ toàn thân, dám đối diện, ôm lấy khổ đau. Đây là bí quyết rất khoa học, thực hành được nó, mọi ngang trái đều biến mất luôn.
Như vậy, thời gian chứng đạo phụ thuộc vào đạo đức, công hạnh, sự tinh tấn tu thiền của ta. Không cần biết mất bao lâu nhưng chỉ cần kiên trì, biết cân đối thời gian hợp lí, ta sớm muộn cũng đạt được nó. Đến lúc ấy, ta và mọi người dễ dàng nhận thấy sự cảm động của trời đất trước đạo đức, sự tinh tấn, nỗ lực của mình.
Bằng những dẫn chứng cụ thể, Thượng tọa đã phân tích, làm rõ sự khác nhau giữa chứng Thiền và chứng Thánh. Từ đó, giúp mọi người tránh được sự ngộ nhận trong tu tập, dẫn đến việc tổn phước. Đồng thời, tránh được sự dẫn dụ, mê mị của ngoại đạo, giữ được sự kiên định với con đường tu hành của mình.
Bên cạnh đó, Thượng tọa còn chỉ rõ điều kiện, dấu hiệu của việc chứng ngộ. Qua đó, các Phật tử biết được tu hành, chứng ngộ là cả một quá trình lâu dài, theo trình tự cụ thể, chứ không thể xốc nổi, vội vàng ngày một ngày hai là thành tựu đươc. Chiếu theo quy trình, tiêu chuẩn Thượng tọa gợi mở, mọi người có thể biết mình đã tu đến đâu, còn thiếu xót chỗ nào để nỗ lực bồi đắp, phấn đấu. Con đường giác ngộ nhờ đó trở nên đúng đắn, thuận lợi.
Xem thêm: Sự Khác Biệt Giữa Utf 8 Là Gì ? Sự Khác Biệt Giữa Utf
Ngoài ra, bài Pháp cũng chỉ rõ sự liên kết, gắn bó giữa con đường tu hành của từng cá nhân với sự phát triển của xã hội cộng đồng. Phụng sự, cống hiến cho chúng sinh, xã hội là nền tảng, cái gốc đầu tiên trên con đường đi đến giác ngộ. Vậy nên, chúng ta không thể tách rời bản thân khỏi xã hội, lúc nào cũng ích kỉ, chỉ chăm chăm chạy theo mục tiêu tu hành của bản thân. Bởi không có cái gốc ấy, thì dù có tinh tấn tu hành bao nhiêu năm đi nữa, ta vẫn không thể đi đến sự giác ngộ cuối cùng, cao tột được./.
Tổ truyền thông
Dưới đây là 1 số hình ảnh khóa thiền: