TQĐT – Chính quyền cơ sở là nơi trực tiếp triển khai, tổ chức thực hiện các đường lối, chủ trương, chính sách và pháp luật của Đảng và Nhà nước, là cầu nối giữa Nhà nước với nhân dân.
Vì thế, yêu cầu đặt ra đối với chính quyền cơ sở vừa phải thực hiện đầy đủ quyền lực trong thực hiện chức năng, nhiệm vụ, đồng thời phải mềm dẻo, linh hoạt trong tiếp xúc, làm việc với nhân dân. Xây dựng bộ máy chính quyền cơ sở vững mạnh, đủ năng lực tổ chức thực hiện các nhiệm vụ là cơ sở để phát triển kinh tế – xã hội, thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XVI Đảng bộ tỉnh.
Đang xem: Chính quyền cơ sở là gì, cơ sở chính trị của chính quyền nhân dân là gì
Lãnh đạo xã Đội Cấn (TP Tuyên Quang) kiểm tra việc lập danh sách cử tri tại thôn Tân Tạo chuẩn bịcho cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND các cấpnhiệm kỳ 2016 – 2021. |
Vai trò cầu nối
Minh chứng sinh động là từ năm 2010 đến năm 2015, trong điều kiện khó khăn chung của cả nước, cán bộ cơ sở đã vận động nhân dân hoàn thành nhiều nghị quyết, chương trình, kế hoạch lớn của tỉnh như: Làm mới 2.700 km đường bê tông nông thôn, trong đó người dân đã hiến trên 42.000 m2 đất, đóng góp trên 800 tỷ đồng; hoàn thành phổ cập cho trẻ mầm non 5 tuổi; hoàn thành cấp giấy chứng nhận QSDĐ lần đầu cho cá nhân, hộ gia đình. Công tác giảm nghèo, chương trình xây dựng nông thôn mới triển khai có hiệu quả đã nâng cao hơn chất lượng cuộc sống của nhân dân.
Năm 2011, xã Mỹ Bằng được chọn làm xã điểm xây dựng nông thôn mới của tỉnh. Thời điểm đó, toàn xã mới chỉ đạt 4 tiêu chí. Để lãnh đạo thực hiện việc xây dựng nông thôn mới ở Mỹ Bằng theo chỉ đạo của tỉnh, Đảng bộ, chính quyền xã đã tập trung vận động nhân dân, để nhân dân hiểu và đồng thuận thực hiện. Với phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”, mọi hoạt động từ việc xây nhà văn hóa thôn, làm đường bê tông liên thôn, xây dựng trường lớp học… đều được công khai, lấy ý kiến nhân dân, đưa vào Nghị quyết và Chương trình hành động của Đảng bộ. Theo ông Trần Văn Dậu, Chủ tịch UBND xã, trong 4 năm, xã đã huy động nhân dân đóng góp được gần 30 tỷ đồng, bình quân mỗi nhân khẩu đóng góp 300.000 đồng để xây dựng 127 km đường bê tông nông thôn, kiên cố hóa được 28 km kênh mương, đảm bảo nguồn nước tưới cho 80% diện tích ruộng 2 vụ, nâng hệ số sử dụng đất lên 2,6 lần… Những việc đó không hề có thắc mắc của người dân, bởi người dân chính là người quyết định làm cái gì, làm như thế nào, mức độ đóng góp ra sao và là người giám sát. Với sự nỗ lực, quyết tâm của cấp ủy, chính quyền, sự đồng lòng của nhân dân, xã đã hoàn thành 19/19 tiêu chí về xây dựng nông thôn mới trong năm 2014, vượt kế hoạch trước 1 năm.
Chính quyền xã Yên Lâm (Hàm Yên) đã khẳng định được vai trò quản lý, điều hành và tổ chức thực hiện công tác giảm nghèo tại địa phương. Từ năm 2010 đến nay, toàn xã giảm được 302 hộ nghèo; tỷ lệ hộ nghèo còn trên 27%. Cách chính quyền xã làm ở đây là “đưa cần câu để bà con tự câu cá”. Theo đó, cán bộ luôn động viên bà con vươn lên trong phát triển kinh tế hộ gia đình, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, hỗ trợ bà con về vốn vay, con giống… Đồng chí Đoàn Long Hải, Bí thư Đảng ủy xã Yên Lâm phấn khởi: “Chúng tôi mừng nhất là nhiều hộ đã tự xin thoát nghèo bởi kinh tế gia đình đã khấm khá. Thời gian tới, xã sẽ tiếp tục phát huy lợi thế đất vườn đồi, phát triển cây cam đạt năng suất, chất lượng góp phần mở rộng vùng cam hàng hóa trên địa bàn huyện, đồng thời phát triển chăn nuôi con thế mạnh như dê, lợn đen để tăng thu nhập cho người dân, phấn đấu giảm từ 6 đến 7% hộ nghèo mỗi năm”.
Cán bộ xã Kim Phú (Yên Sơn) kiểm tra tiến độ làm sân thể thao thôn 19. Ảnh: Trang Tâm |
Cán bộ là then chốt
Chương trình bê tông hóa đường giao thông nông thôn giai đoạn 2011 – 2015 là chương trình thành công ngoài mong đợi, vì được nhân dân đồng tình tham gia. Để làm được việc đó, cán bộ, chính quyền cơ sở đóng vai trò hết sức quan trọng nhằm huy động được sức dân… Nhiều xã đã chỉ đạo, vận động nhân dân làm vượt chỉ tiêu kế hoạch như Mỹ Bằng, Nhữ Hán, Hoàng Khai (Yên Sơn), Thanh Tương (Nà Hang), Yên Nguyên (Chiêm Hóa), Phù Lưu (Hàm Yên), Ninh Lai, Minh Thanh, Hợp Hòa (Sơn Dương), An Khang, Lưỡng Vượng (TP Tuyên Quang), Lăng Can (Lâm Bình)… Nhưng địa phương nào chính quyền không quyết liệt, không làm tốt công tác dân vận thì nơi ấy làm được rất ít đường bê tông nông thôn. Trong đó, xã Kiên Đài (Chiêm Hóa) còn 7 thôn chưa thực hiện; xã Yên Thuận và Tân Thành (Hàm Yên) mỗi xã còn 6 thôn chưa thực hiện; xã Yên Hoa và Sinh Long (Nà Hang) mỗi xã còn 6 thôn chưa thực hiện; xã Công Đa (Yên Sơn) còn 6 thôn chưa thực hiện.
Hoạt động của HTX hiện nay cũng phản ánh những hạn chế của cán bộ cơ sở. Ông Đồng Mạnh Cường, Phó Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh phân tích: Do trình độ, năng lực quản lý, điều hành của cán bộ quản lý HTX còn nhiều yếu kém như thiếu tính năng động, yếu về khả năng tìm kiếm thị trường, không có định hướng phát triển lâu dài dẫn đến sản xuất manh mún, nhỏ lẻ; sự liên kết giữa nhà nông, nhà khoa học lỏng lẻo, nên phát triển chưa bền vững. Đặc biệt là các HTX nông lâm nghiệp hoạt động mới chỉ dựa theo kinh nghiệm, tự phát, không có sự liên kết, dẫn đến hiệu quả kinh tế thấp.
Xem thêm: Làm Thế Nào Để Viết Testcase Là Gì ? Các Loại Test Case Thông Dụng Hiện Nay
Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Hoàng Khai (Yên Sơn) Lưu Văn Khang (bên trái)thăm mô hình kinh tế của người dân Yên Mỹ 2. |
Theo Liên minh HTX tỉnh thì toàn tỉnh chỉ có 39/289 HTX hoạt động hiệu quả, chiếm 23%; 103 HTX hoạt động trung bình; 8 HTX hoạt động kém hiệu quả. Trong 823 cán bộ quản lý HTX có 88 cán bộ trình độ đại học, chiếm 10,7%; cao đẳng 23 cán bộ, chiếm 2,8%; trung cấp 298 cán bộ, chiếm 36,2%. Số người đứng đầu HTX mới qua các lớp tập huấn, bồi dưỡng là 414 người, chiếm 50,3%. Nhiều cán bộ quản lý HTX chưa đáp ứng được yêu cầu của cơ chế thị trường.
Việc giải quyết thủ tục hành chính, chế độ cho người dân vẫn còn chậm một phần cũng do cán bộ làm việc trong lĩnh vực này. Ông Bùi Xuân Lẫm, xóm 16 xã Tràng Đà cho rằng, nguyên nhân là do vai trò giám sát của cấp ủy, HĐND, Ủy ban MTTQ và các đoàn thể còn lỏng lẻo, năng lực của một bộ phận cán bộ, công chức cơ sở còn thấp so với yêu cầu thực tế; vẫn còn có cán bộ cơ sở giải quyết công việc theo ý muốn chủ quan.
Theo ông Trần Nam Phong, Phó Giám đốc Sở Nội vụ, để xây dựng, củng cố chính quyền cơ sở, góp phần đổi mới mô hình tổ chức chính quyền địa phương theo Hiến pháp năm 2013 sửa đổi, đáp ứng yêu cầu phát triển của tỉnh và thực hiện thắng lợi mục tiêu Nghị quyết Đại hội XVI Đảng bộ tỉnh đề ra, cần tiếp tục đẩy mạnh thực hiện cải cách hành chính trên địa bàn tỉnh. Theo đó, cần tập trung đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức trong bộ máy chính quyền cơ sở để nâng cao kỹ năng làm việc và tinh thần trách nhiệm trong giải quyết thủ tục hành chính; thực hiện tốt việc quy hoạch và đào tạo đội ngũ cán bộ chủ chốt trong bộ máy chính quyền địa phương; đánh giá việc thực hiện nhiệm vụ trọng tâm hàng năm của các chủ tịch UBND xã, phường, thị trấn hướng đến xây dựng quy chế đánh giá kết quả hoạt động của bộ máy chính quyền cơ sở thông qua một số tiêu chí cụ thể về hiệu lực, hiệu quả hoạt động của bộ máy chính quyền. Đồng thời, tăng cường vai trò chỉ đạo của cấp ủy Đảng, giám sát chặt chẽ của HĐND, Ủy ban MTTQ và các tổ chức đoàn thể các cấp trong việc tham gia xây dựng chính quyền.
Đại hội XVI Đảng bộ tỉnh đã xác định trong nhiệm kỳ mới cần xây dựng chính quyền trong sạch, vững mạnh, hiệu lực, hiệu quả. Muốn vậy chính quyền từ cơ sở phải vững mạnh, thực hiện tốt chức năng quản lý, điều hành, khắc phục những hạn chế, yếu kém trong quản lý địa bàn. Trách nhiệm người đứng đầu cơ quan hành chính nhà nước ở cơ sở phải luôn được nêu cao để hoàn thành nhiệm vụ. Bài, ảnh: Trang Tâm
Ông Đỗ Xuân Trường,Phó Chủ tịch UBND huyện Yên SơnLuân chuyển, sắp xếp cán bộ cơ sởlà cần thiết |
Trong những năm qua, việc luân chuyển, bố trí, sắp xếp cán bộ cơ sở trên địa bàn huyện Yên Sơn đã nâng cao năng lực lãnh đạo, thực hiện nhiệm vụ của cán bộ, công chức ở địa phương, góp phần hoàn thành tốt các chỉ tiêu phát triển kinh tế – xã hội. Phát huy kết quả đạt được, UBND huyện Yên Sơn xác định công tác luân chuyển, bố trí, sắp xếp, đào tạo cán bộ cơ sở là việc làm cần thiết, liên tục nhằm tạo nguồn, quy hoạch, từng bước trẻ hóa, xây dựng đội ngũ cán bộ cơ sở có bản lĩnh chính trị vững vàng, có trình độ năng lực công tác. Huyện cũng cân đối, bố trí cán bộ theo cơ cấu dân tộc, giới tính để nâng cao chất lượng, đáp ứng nhu cầu phát triển của cơ sở trong tình hình mới và phục vụ nhân dân tốt hơn.
Anh Hoàng Đức Dự,cán bộ Địa chính – xây dựng xã Tân An (Chiêm Hóa)Luôn học tập,nâng cao chuyên môn nghiệp vụ
Là cán bộ Địa chính – xây dựng, phụ trách mảng nông – lâm nghiệp của xã, tôi luôn tích cực học tập, tìm tòi, nghiên cứu, tìm đọc các tài liệu liên quan nghiệp vụ để phục vụ chuyên môn. Đặc biệt, tôi thường xuyên cập nhật các kiến thức về khoa học kỹ thuật sản xuất, các loại cây, con mới có năng suất, hiệu quả kinh tế cao giới thiệu cho bà con áp dụng. Hằng năm, tôi xây dựng kế hoạch công việc cụ thể, tham mưu với UBND xã xây dựng kế hoạch phát triển nông, lâm nghiệp toàn xã; thường xuyên sâu sát cơ sở, kiểm tra, đôn đốc bà con thực hiện hiệu quả việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, sản xuất cây trồng đúng thời gian, mùa vụ. Đồng thời, định hướng cho bà con sản xuất cây trồng phù hợp với đất đai, thổ nhưỡng, tăng năng suất lao động.
Xem thêm: Mã Bưu Chính Là Gì? Bảng Zip Code Là Gì Zip Code Là Gì
Bà Nguyễn Thị Hoa,xóm 16, xã Tràng Đà (TP Tuyên Quang)Cán bộ phải lắng nghengười dân nhiều hơn
Những năm qua, cán bộ xã đã tăng cường xuống cơ sở để tìm hiểu tâm tư nguyện vọng của người dân, kịp thời giải quyết vướng mắc ngay tại xóm, hộ gia đình. Tuy nhiên, việc lắng nghe cũng như giải quyết những vấn đề liên quan đến thủ tục, giấy tờ về đất đai, xây dựng đôi khi… vẫn còn chậm. Vì thế, tôi rất mong cán bộ cơ sở cần sâu sát thực tế, lắng nghe và tìm hiểu đời sống nhân dân nhiều hơn để kịp thời giải quyết những vướng mắc cũng như hướng dẫn nhân dân thực hiện quyền và nghĩa vụ của mình đúng pháp luật; tạo điều kiện để nhân dân phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo hiệu quả.