Ở Việt Nam người ta dịch chức danh “visiting professor” là “giáo sư thỉnh giảng“. (Chữ ‘thỉnh’ nghe oách thật, giống như thỉnh ông bà xuống núi vậy). Có người không hiểu bản chất của chức danh này nên đánh giá chưa đúng. Tôi xin chia xẻ với các bạn cách tôi hiểu về chức danh này qua trải nghiệm cá nhân như sau …
Cách hiểu ‘chuẩn’ về chức danh visiting professor là người từ một trường đại học A được mời giảng ở đại học B trong một thời gian ngắn, thường là 1 năm. Người ở trường A có thể là giảng viên hay phó giáo sư chứ không phải là giáo sư, nhưng vì lí do ngoại giao trường B trao cho chức danh “professor” nhưng có chữ “visiting” trước chức danh đó. Nhưng trong thực tế thì không phải vậy.
Đang xem: Visiting professor là gì, học hàm danh dự: ngoại giao, hữu nghị là chính
Lâu lắm rồi (chắc hơn 15 năm trước), tôi có dịp làm … Visiting Professor. Chuyện là một nhóm nghiên cứu ở UC Irvine mời tôi đến đó để hợp tác với họ về một dự án liên quan đến gen VDR và mất xương. Đi đâu chứ đến Irvine là tôi thích ngay vì nơi đó gần khu Little Saigon, nơi có những nhà hàng Việt Nam ngon nhất thế giới, ngon hơn cả bên Sài Gòn. Tưởng là họ gửi tôi một giấy mời, ai ngờ đó là một tờ giấy bổ nhiệm tôi chức Visiting Professor (mà lúc đó tôi chưa phải là Full Professor). Tôi không biết tại sao mình được thăng chức dễ như thế?! Tờ giấy bổ nhiệm được kèm theo đủ thứ văn bản về điều kiện như không có lương, như họ chỉ trả vé máy bay hạng … bình dân, như khách sạn thì hạng trên trung bình, ăn uống tôi phải tự lo liệu, v.v. Vì ở cả tháng nên phải tiết kiệm tiền. Thời gian ở Irvine tôi làm thì ít mà đi tắm biển thì nhiều, có những ngày không đến lab/office. Đồng nghiệp tôi nói “Relax, take your time” (Thoải mái, làm từ từ thôi). Thế đấy.
Lần thứ hai là ở Hồng Kông (CUHK) với một nhóm chuyên về loãng xương. Nhưng lần đó chỉ có 2 tuần thôi. Cũng làm thì ít, nói thì nhiều. Nói ở đây là tham gia seminar, lab meeting, tư vấn, chứ cũng chẳng có giảng dạy gì cả. Lần thứ ba là ở Thái Lan, thời gian là 1 tháng, nhưng tờ giấy bổ nhiệm là … 1 năm! Lần này thì được cho đi hạng business, nhưng khách sạn thì … “chỉ đến đó” (nhưng tôi thích cái không gian cây trái như là ở dưới quê nhà Kiên Giang). Thời gian này tuy mang danh là Visiting Professor, nhưng tôi chẳng có giảng gì cả. Mỗi ngày họ đưa tôi một lịch làm việc sẵn, giờ nào tiếp ai, giờ nào đi nói chuyện ở bộ môn nào, nói ở workshop nào v.v. nói chung là rất cụ thể. Nhưng chỉ có nửa ngày thôi, nửa ngày còn lại là tôi … chẳng làm gì cả. Thật ra là có làm nhưng làm việc bên Úc. Cuối tuần thì đi ra vùng ngoại ô, các tỉnh khác hay đi Lào chơi. Trong thời gian này tôi được mời đi nói chuyện ở Chiang Mai, Bangkok, Mahidol, thậm chí bay về Việt Nam nói chuyện trong hội nghị khoa học Việt Pháp nữa chứ! Đó, cái việc của Visiting Professor là vậy đó.
Lần khác là ở Na Uy. Lần này thì nằm trong một dự án hợp tác giữa hai lab, và tinh thần ‘ngầm’ là ‘có qua có lại mới toại lòng nhau.’ Lab chúng tôi mời bà ấy qua Úc làm Visiting Professor. Và, đến phiên bà ấy mời tôi sang làm Visiting Professor. Các bạn đọc thấy có vẻ kì kì, nhưng sự thật là vậy đó. Cũng như mấy lần trước, chẳng có giảng dạy gì cả, chỉ thảo luận trong lab là chính. Xong thảo luận thì đi ra ngoài cho khuây khỏa tinh thần. Chỉ vài tuần thì về, nhưng thư bổ nhiệm thì đề 1 năm!
Tôi biết trong thực tế còn có loại Visiting Professor mà đương sự chẳng đi đâu cả, chỉ ngồi ở nơi mình đang công tác. Nói cách khác, chức danh chỉ tồn tại trên giấy chứ không hiện hữu qua hành động. Lí do đơn giản là vì chức danh này chỉ mang tính ngoại giao, và (đối với một số ngành) không gian có khi không còn quan trọng nữa trong thời đại internet.
Nhưng có một nơi cho tôi chức danh này và tôi phải giảng. Đó là Đại học Tôn Đức Thắng và Đại học Y Hà Nội. Hai nơi này cũng chỉ ‘bổ nhiệm’ 1 năm, nhưng trong thực tế thì mỗi lần giảng là chỉ 1 hay cao lắm là 2 tuần. Phải nói là mệt, chứ không phải chuyện đùa hay “relax” như ở UCI hay các nơi khác. Nhưng nói cho ngay, tôi thích đóng góp cho quê nhà, nên chuyện giảng thì chẳng có gì phải phàn nàn hay đặt vấn đề.
Tất cả những ví dụ cá nhân trên chỉ để nói rằng về phương diện khoa bảng, chức danh (hay chức vụ) Visiting Professor không có một trọng lượng gì cả. Bởi vì đó là một hình thức ngoại giao trong hoạt động khoa học, chứ không phải là một ghi nhận về thành tích nghiên cứu khoa học. Đó cũng là một hình thức bóc lột tri thức có bài bản (chỉ trả 1 cái vé máy bay mà ‘bắt’ được người ta cả tháng trời thì là bóc lột rồi). Đó cũng không phải là một danh dự. Không ai xem xét đến chức danh này khi đề bạt chức danh giáo sư thực thụ. Người ta chỉ xem đó là một tín hiệu về qui mô hợp tác của ứng viên, chứ không phải là chỉ tiêu để đánh giá nghiên cứu khoa học.