Bộ phim Avengers: Cuộc chiến Vô cực đang “hô phong hoán vũ” trên các bảng xếp hạng doanh thu phim ảnh trên toàn thế giới nói về một liên minh gồm nhiều siêu anh hùng có sức mạnh siêu nhiên và những năng lực đặc biệt, cùng nhau đoàn kết bảo vệ loài người khỏi các hiểm họa đe dọa hòa bình và sinh tồn.
Đang xem: Vigilante là gì, (từ Điển anh (từ Điển anh
Bộ phim này không hề đơn giản chỉ là một bộ phim giải trí. Thật sự, loạt phim Avengers từ trước tới nay vẫn luôn là một trường thiên tác phẩm “thần thoại” hiện đại, nơi mà các ý niệm về công lý, về lằn ranh thiện-ác, và ý nghĩa của sự tồn tại của con người v.v. ẩn hiện sau những pha hành động đẹp mắt và những hình ảnh kỹ xảo làm mê hoặc người xem.
Một trong những ý niệm ẩn chứa trong loạt phim Avengers chính là một ý niệm về công lý tự xử, hay theo cách Pop Law thích gọi hơn, đó là công lý dân phòng (vigilante justice hay vigilantism).
Công lý dân phòng (vigilantism) là gì?
Các siêu anh hùng chính yếu trong nhóm Avengers đều không hề là những cảnh sát, quân nhân, hay viên chức nhà nước. Có vài người như Captain America hay War Machine đã từng trong quân ngũ, nhưng hiện nay thì không còn.
Về tư cách pháp lý, trừ một người máy, một người ngoài hành tinh, và nguyên thủ nước khác ra, các thành viên liên minh Avengers đều là những công dân Mỹ (hay công dân được phép định cư ở Mỹ).
Vì lẽ đó, qua lăng kính pháp lý, khi dùng sức mạnh và bạo lực để chống lại các thế lực độc ác nhằm bảo vệ loài người, các siêu anh hùng Avengers là những công dân “bình thường” đang dùng năng lực của chính họ để ngăn chặn tội ác, bảo vệ bình yên cho xã hội, cho con người.
Tức là, bất kể nhà nước họ có cho phép hay không, các siêu anh hùng vẫn đang phần nào đó làm những công việc thường dành cho những lực lượng hành pháp quốc gia: cảnh sát, các lực lượng vũ trang, an ninh, hay quân đội.
Dĩ nhiên, cái ý tưởng nền tảng của các thể loại văn hóa phẩm dòng “siêu anh hùng” chính là cần phải có các siêu anh hùng! Bởi vì họ là những cá nhân duy nhất có thể chống lại những thế lực độc ác siêu nhiên đang tiến đến đe dọa con người, vốn thường là kịch bản hay cốt truyện chính của dòng văn hóa phẩm này.
Các lực lượng cảnh sát, an ninh, quân đội trong Vũ trụ Marvel của loạt phim Avengers vẫn có. Họ chính là những lực lượng được nhà nước bổ nhiệm làm công tác an ninh trật tự, và được “nuôi” bằng tiền ngân sách nhà nước, vốn đến từ tiền thuế của người dân. Nhưng điều đó không có nghĩa là họ nghiễm nhiên cũng có những khả năng đặc biệt, ví dụ như nhảy từ hành tinh này sang vũ trụ khác để truy bắt kịp thời một lão quái nhân đầu trọc khổng lồ mê nữ trang, à nhầm, đá quý.
Bên trong Vũ trụ Marvel có những thế lực hiểm độc có năng lực siêu nhiên vượt xa khả năng ngăn chặn và chống chọi của các lực lượng hành pháp truyền thống. Đó chính là lý do tại sao người dân trong vũ trụ đó cần các siêu anh hùng.
Các vigilante người Mexico ở thị trấn Ayutla tuần tra phố phường chống lại các thế lực băng đảng tội phạm – Ảnh: washingtonpost.com
Một nghiên cứu gần đây nhất của nhà xã hội học Amy Nivette của trường Đại học Utrecht (Hà Lan) cho chúng ta những kiến giải được cập nhật nhất.
Dùng số liệu khảo sát từ 18 nước Châu Mỹ La-tinh, Nivette xác định được rằng yếu tố giúp xác định mức độ ủng hộ công lý dân phòng chính xác nhất là mức độ người dân ủng hộ tính chính danh của các thiết chế quốc gia (institutional legitimacy).
Người dân càng ủng hộ các thiết chế chính trị và thiết chế công lý hình sự của nước họ bao nhiêu thì họ càng ít ủng hộ công lý dân phòng bấy nhiêu. Trái lại, người dân nước nào càng tin rằng lực lượng cảnh sát nước họ hay tham nhũng và phạm pháp, thì họ lại càng ủng hộ công lý dân phòng hơn.
Những người dân nào càng tin rằng chính quyền nên quản lý đất nước bằng “bàn tay thép” (tức là những người dân đã sẵn có tâm lý ủng hộ chuyên chế độc tài) thì họ càng ủng hộ các hình thức trừng phạt tội phạm nặng nề, bao gồm những hình thức công lý dân phòng bạo lực.
Các yếu tố góp phần dung dưỡng mức độ ủng hộ cao của quần chúng cho công lý dân phòng còn bao gồm cả cảm giác bất an về kinh tế và sự thiếu vắng niềm tin tưởng lẫn nhau trong xã hội.
Xem thêm: Cấu Tạo Ống Venturi Là Gì – Nguyên Tắc Hoạt Động Của Bẫy Hơi Venturi
Ai giám sát những người bảo vệ? Và ai bảo vệ những người bảo vệ? Giới hạn trách nhiệm và quyền lợi của những người thực thi công lý dân phòng là gì?
Hiện tượng công lý dân phòng không chỉ cho chúng ta một số phóng chiếu về tình hình đất nước.
Bản thân hiện tượng này là một vấn đề cần có sự quản lý hợp lý từ chính sách và luật pháp nhà nước.
Hơn nữa, cách chúng ta nhìn nhận và đối xử với những người thực thi công lý dân phòng cũng nói lên khá nhiều điều về chính chúng ta.
Ở nhiều nước phương Tây như Anh hoặc Mỹ, việc thực thi công lý dân phòng cho dù có không phạm pháp thì cũng hay bị các lực lượng hành pháp khuyên nhủ can ngăn. Thường các lực lượng này sẽ nói là người dân không nên can thiệp, vì sẽ làm ảnh hưởng đến công tác của họ.
Mối lo ngại ở đây không chỉ là hiệu quả công tác của các lực lượng hành pháp, mà còn là lo lắng cho an toàn của chính những người dân đang hăng hái trợ giúp luật pháp kia.
Tuy nhiên, ở Việt Nam, thái độ của cơ quan công quyền với những người thực thi công lý dân phòng lại có vẻ rất khác.
Một quan chức ngành công an Việt Nam năm 2016 từng phân tích với báo giới rằng: “Ở Việt Nam khác với các nước là việc phòng chống tội phạm không phải là của riêng công an mà là của toàn dân và cả hệ thống chính trị.”
Nếu điều này là đúng (không nhất thiết!) và nên làm thì, như vị quan chức này cũng có nói, “Lực lượng công an sẽ phải hướng dẫn nghiệp vụ, pháp luật cho các thành viên tham gia về cách thức hoạt động, quyền hạn như khi nào thì được truy bắt, bắt giữ để tránh chồng chéo, cản trở…”.
Việc xây dựng luật pháp cho các lực lượng thực thi công lý dân phòng trên cả nước có vẻ vẫn chưa được hoàn thành.
Tại Bình Dương, chính quyền vào năm 2013 đã ban hành quy chế cụ thể về tổ chức và hoạt động của các câu lạc bộ phòng, chống tội phạm trên địa bàn tỉnh.
Theo quy chế này, vị quan chức phụ trách lực lượng “săn bắt cướp” chính là vị trưởng công an cấp xã. Kinh phí dành cho hoạt động của lực lượng này sẽ bao gồm nhiều nguồn, bao gồm cả ngân sách nhà nước trong trường hợp không đủ chi.
Tuy khá chi tiết nhưng quy chế này không nói gì việc hỗ trợ các “hiệp sĩ” khi họ phải đối mặt với các rủi ro pháp lý đến từ những trường hợp bắt nhầm người vô tội hay trong những trường hợp mà việc truy bắt tội phạm gây ra thiệt hại về người và của cho những công dân không tham gia bắt cướp.
Chuyện bắt nhầm không phải là không có. Năm ngoái, báo Pháp Luật đã đưa tin về một trường hợp nghi án oan, xuất phát từ một vụ bắt giữ được thực hiện bởi một số “hiệp sĩ” ở Sài Gòn.
Nếu một người “hiệp sĩ” chẳng may vừa bắt nhầm người, vừa vì quá hăng hái mà làm người bị bắt chấn thương nặng, dẫn đến việc người bị bắt oan đó đòi bồi thường thiệt hại, thì câu lạc bộ phòng chống tội phạm của người “hiệp sĩ” đó có cơ chế để hỗ trợ bồi thường và trợ giúp bảo vệ pháp lý không?
Và nếu những trường hợp phải bồi thường thiệt hại vì sơ xuất của các “hiệp sĩ” diễn ra quá nhiều, làm cách nào để cơ quan nhà nước giám sát và kiểm soát được tình trạng đó?
Đây là những câu hỏi cần các nhà làm luật Việt Nam nghiên cứu càng sớm càng tốt.
Các chàng “hiệp sĩ đường phố” của Việt Nam không giàu sụ như tỷ phú Tony Stark hay Quốc vương T’Challa của Vũ trụ Marvel.
Xem thêm: Tycoon Là Gì – (Từ Điển Anh
Trong chừng mực mà công lý dân phòng vẫn cần phải được duy trì ở Việt Nam bất kể vì lý do gì, thì những người dân tự nguyện tham gia thực thi thứ công lý đó không phải, và không nên bao giờ được xem, đơn thuần chỉ những công cụ phục vụ công lý.