TTBD – Cách mạng công nghiệp 4.0 được cho là đã bắt đầu từ vài năm gần đây, tập trung chủ yếu vào sản xuất thông minh dựa trên các thành tựu đột phá trong công nghệ thông tin, công nghệ sinh học, công nghệ nano. Việt Nam không nằm ngoài những tác động của việc ứng dụng các công nghệ số hóa và kết nối vào sản xuất và kinh doanh của Cách mạng công nghiệp 4.0. Môi trường kỹ thuật số năng động này đòi hỏi phải xây dựng và phát triển những tài năng mới, đặc biệt là đội ngũ thanh niên, bởi vì thanh niên là “người chủ tương lai của nước nhà”, là người xung phong trong công cuộc xây dựng và phát triển đất nước.
Đang xem: Luật thanh nieên là gì, vai trò, quyền và nghĩa vụ của thanh niên
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh rất quan tâm đến thanh niên. Người cho rằng thanh niên là người tiếp sức cách mạng cho thế hệ thanh niên già, đồng thời là người phụ trách dìu dắt thế hệ thanh niên tương lai – tức là các cháu nhi đồng; thanh niên là người xung phong trong công cuộc phát triển kinh tế và văn hóa, trong sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội; thanh niên là lực lượng cơ bản trong bộ đội, công an và dân quân tự vệ, đang hăng hái giữ gìn trật tự, trị an, bảo vệ Tổ quốc; trong mọi công việc, thanh niên thi đua thực hiện khẩu hiệu: Đâu cần, thanh niên có; việc gì khó, thanh niên làm1. Bài viết dưới đây phân tích những nội dung cơ bản trong quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về thanh niên, coi đây là kim chỉ nam trong việc xây dựng và phát triển đội ngũ thanh niên Việt Nam gắn với Cách mạng công nghiệp 4.0.
Quan điểm Hồ Chí Minh về thanh niên
Sinh thời Bác Hồ luôn đánh giá cao vị trí, vai trò quan trọng của thanh niên – lực lượng kế cận của Đảng đối với sự nghiệp của Đảng, tương lai, vận mệnh của dân tộc, tiền đồ của Tổ quốc. Bác khẳng định: “Thanh niên là người chủ tương lai của nước nhà”, là “mùa Xuân của xã hội”, “Nước nhà thịnh hay suy, yếu hay mạnh một phần lớn là do các thanh niên”. Người nhận thấy thanh niên có những ưu điểm nổi trội: Trẻ, khỏe, chiếm số đông trong xã hội, hăng hái, nhiệt tình, nhanh nhạy tiếp thu cái mới, giàu ước mơ… Đó là lứa tuổi ham hiểu biết, giàu niềm tin, tự thể nghiệm mình, có khả năng tiềm ẩn trong việc thực hiện lý tưởng, mục tiêu cao quý… Do vậy, nếu biết định hướng, động viên đúng thì thanh niên sẽ say sưa với lý tưởng sống cao đẹp, phát huy tài năng, tính sáng tạo, sẵn sàng hy sinh vì đại nghĩa.
Sau khi tìm được con đường cứu nước, Người đã lựa chọn đối tượng đầu tiên để truyền bá tư tưởng cách mạng vào Việt Nam là thanh niên. Cuối năm 1924, từ Liên Xô, quê hương của Lê-nin vĩ đại, Bác đến Quảng Châu (Trung Quốc), liên lạc với nhóm thanh niên yêu nước trong Tâm Tâm xã – một tổ chức cách mạng của nhóm thanh niên Việt Nam yêu nước, hướng dẫn cho họ về phương pháp tổ chức và hoạt động; lập ra Hội Việt Nam cách mạng thanh niên, trực tiếp tổ chức các lớp huấn luyện chính trị cho các thanh niên yêu nước Việt Nam; lựa chọn những thanh niên xuất sắc gửi đi đào tạo tiếp ở những trường huấn luyện của Quốc tế Cộng sản. Rất nhiều người trong số đó sau này đã trở thành những cán bộ lãnh đạo xuất sắc của Đảng.
Nhận thức được vai trò quan trọng của đội ngũ thanh niên, Chủ tịch Hồ Chí Minh rất chú ý quan tâm và động viên thanh niên. Khi nhận được báo cáo thành tích của thanh niên công trường đá Sơn Tây, Người đã gửi thư khen: “Các cháu đã cố gắng tăng năng suất và tiết kiệm… Thế là tốt”1. Người động viên thanh niên xung phong thực hành “đời sống mới”. Người cho rằng, thanh niên cần phải hăng hái, kiên quyết, không sợ khó, không sợ khổ; phải siêng học, phải siêng làm, phải tiết kiệm; việc nên làm (như ủng hộ kháng chiến, tăng gia sản xuất) thì ta không chờ ai nhắc nhủ; việc nên tránh (như tự tư tự lợi) thì ta không đợi ai ngăn ngừa. Chỉ có “thực hành đời sống mới, thanh niên mới trở nên những công dân mới, xứng đáng với nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa”2.
Bên cạnh việc đánh giá cao vai trò của thanh niên, dành nhiều lời ngợi khen để động viên thanh niên tích cực học tập và rèn luyện, hăng say lao động, Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng không ít lần thẳng thắn phê bình những khuyết điểm của thanh niên như: “Tham ô, lãng phí”; “thấy khó khăn mà rụt rè, nóng ruột”; “chưa biết lịch sử, không học thời sự, mà về mặt chính trị cũng chưa cao lắm”; “làm việc gì cũng lo lắng, cũng cho công tác mình làm là không vẻ vang, tiền đồ không biết thế nào?”3… Hồ Chí Minh chỉ rõ: Phát huy mặt mạnh, khắc phục mặt yếu là con đường để tự hoàn thiện nhân cách của thanh niên. Thanh niên muốn làm chủ tương lai cho xứng đáng thì ngay hiện tại phải không ngừng rèn luyện tinh thần và lực lượng cho mình, phải làm những việc chuẩn bị cái tương lai đó.
Theo Người, thanh niên muốn khắc phục được những khuyết điểm, sửa chữa được những sai lầm thì phải có quyết tâm, không ngại khó, tránh sốt ruột, chống bi quan; đồng thời phải củng cố tổ chức của Đoàn, phải đoàn kết nội bộ thật chặt chẽ và phải đoàn kết rộng rãi với các tầng lớp thanh niên. Chỉ có như vậy, thanh niên mới vượt qua được khó khăn, sửa chữa được sai lầm, phát huy được thành tích. Tất cả thanh niên phải làm gương mẫu: “(1) Phải giữ vững đạo đức cách mạng: Phải khiêm tốn, cần cù, hăng hái, dũng cảm. Phải tránh tư tưởng kiêu ngạo, công thần, tự tư tự lợi; (2) Phải xung phong trong mọi công tác; xung phong là đi trước, làm trước để lôi cuốn quần chúng, chứ không phải là xa rời quần chúng; (3) Phải cố gắng học tập chính trị, văn hoá, nghề nghiệp để tiến bộ mãi, để sẵn sàng trở thành cán bộ tốt, đảng viên tốt; (4) Phải rèn luyện thân thể cho khoẻ mạnh, khoẻ mạnh thì mới có đủ sức để tham gia một cách dẻo dai bền bỉ những công việc ích nước lợi dân… Thực hiện những điều đó thì sẽ làm tròn nhiệm vụ của mình, sẽ tiến kịp thanh niên các nước bạn”4.
Người yêu cầu thanh niên phải không ngừng học tập nâng cao trình độ về mọi mặt “để làm tròn nhiệm vụ vẻ vang của thanh niên. Thanh niên sẽ làm chủ nước nhà, phải học tập mãi, tiến bộ mãi, mới thật là thanh niên”5. Bác nói: “Ngày nay, ta đã được độc lập, tự do, thanh niên mới thật là người chủ tương lai của nước nhà. Muốn xứng đáng vai trò người chủ, thì phải học tập”. Bác yêu cầu thanh niên cần phải mạnh dạn chuyển hướng trong việc học tập, luôn tự cải tạo để tiến bộ mãi, tích cực tự học tập, tự bồi dưỡng, tự rèn luyện mình thành những người có đức, có tài để hoàn thành mọi nhiệm vụ được giao.
Người nhấn mạnh: “Bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau là một việc rất quan trọng và rất cần thiết”7. Và trách nhiệm này thuộc về tất cả các cấp, các ngành, trước hết là của Đảng, của Chính phủ và của tổ chức Đoàn. Trong Di chúc để lại cho toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta, Người căn dặn: “Những chiến sĩ trẻ tuổi trong các lực lượng vũ trang nhân dân và thanh niên xung phong đều đã được rèn luyện trong chiến đấu và đều tỏ ra dũng cảm. Đảng và Chính phủ cần chọn một số ưu tú nhất, cho các cháu ấy đi học thêm các ngành, nghề, để đào tạo thành những cán bộ và công nhân có kỹ thuật giỏi, tư tưởng tốt, lập trường cách mạng vững chắc. Đó là đội quân chủ lực trong công cuộc xây dựng thắng lợi chủ nghĩa xã hội ở nước ta”8.
Xem thêm: Nghĩa Của Từ Thân Phụ Là Gì ? Nghĩa Của Từ Thân Phụ Trong Tiếng Việt
Vận dụng quan điểm Hồ Chí Minh trong xây dựng và phát triển đội ngũ thanh niên gắn với Cách mạng công nghiệp 4.0
Trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, quán triệt quan điểm của Hồ Chí Minh về vị trí, vai trò của thanh niên, Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương khóa X đã ban hành Nghị quyết về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thanh niên. Nghị quyết khẳng định: “Đảng ta tiếp tục đề cao vai trò, vị trí quan trọng của thanh niên; xác định thanh niên là lực lượng xung kích trong giai đoạn cách mạng mới”; “Thanh niên là rường cột của nước nhà, chủ nhân tương lai của đất nước, là lực lượng xung kích trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, một trong những nhân tố quyết định sự thành bại của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, hội nhập quốc tế và xây dựng chủ nghĩa xã hội. Thanh niên được đặt ở vị trí trung tâm trong chiến lược bồi dưỡng, phát huy nhân tố và nguồn lực con người”. Đồng thời nêu rõ “thanh niên nước ta đang đứng trước những cơ hội, thuận lợi lớn, nhưng cũng phải đương đầu với những khó khăn, thách thức không nhỏ…”.
Trách nhiệm của đội ngũ thanh niên
Quá trình đẩy mạnh Cách mạng công nghiệp 4.0 dựa trên số hóa và kết nối có thể mang lại cho Việt Nam nhiều cơ hội để đẩy nhanh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; đồng thời cũng đưa đến những thách thức đối với quá trình phát triển. Trong bối cảnh mới, đội ngũ thanh niên được xem là đội quân chủ lực để đẩy nhanh công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Để làm tròn nhiệm vụ vẻ vang của mình, thanh niên phải cố gắng nhiều hơn nữa, tiến bộ hơn nữa, tích cực rèn “đức”, luyện “tài”, không sợ khó, không sợ khổ trước mọi hoàn cảnh, đem hết tài năng của mình ra phụng sự Tổ quốc và Nhân dân.
Trước hết, thanh niên cần chủ động trang bị các kỹ năng mới, đó là các kỹ năng liên quan đến nhận thức; các kỹ năng về thể chất và các kỹ năng về xã hội. Các kỹ năng liên quan đến nhận thức bao gồm: Tư duy phản biện, kỹ năng giao tiếp, kỹ năng giải quyết vấn đề, kỹ năng tự phê bình; khả năng sáng tạo tri thức, hay chiến lược học tập. Các kỹ năng về thể chất bao gồm: Kỹ năng ngôn ngữ, kỹ năng về cuộc sống, kỹ năng số. Các kỹ năng về xã hội bao gồm: Kỹ năng giao tiếp ứng xử và tạo lập quan hệ.
Trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp 4.0, khi tri thức tồn tại khắp mọi nơi, xuất hiện trong mọi mặt của cuộc sống, đòi hỏi đội ngũ thanh niên phải có kiến thức tổng hợp. Bên cạnh đó, khi hàng ngày, hàng giờ đều có những thay đổi về mặt công nghệ, ảnh hưởng đến đời sống thì khả năng thích ứng và khả năng giải quyết vấn đề một cách linh hoạt, sáng tạo là chìa khóa để nâng cao năng suất lao động. Ngoài ra, để gia nhập vào xu thế của Cách mạng công nghiệp 4.0, đội ngũ thanh niên cần phải tập trung học tập, nghiên cứu, lao động sáng tạo trong một số lĩnh vực quan trọng, đặc biệt là vật lý, sinh học, khoa học máy tính và trí tuệ nhân tạo, các lĩnh vực công nghệ mới, công nghệ mang tính đột phá. Việc học tập và nghiên cứu của thanh niên đòi hỏi phải xuất phát từ thực tiễn sản xuất – đời sống, và để phục vụ cho thực tiễn sản xuất – đời sống.
Cách mạng công nghiệp 4.0 cùng với hội nhập quốc tế toàn diện đặt ra yêu cầu đối với thanh niên phải có những kỹ năng mang tính toàn cầu. Khi lao động của các nước di chuyển tự do vào Việt Nam tạo ra những thuận lợi, cơ hội, nhưng cũng đặt ra nhiều khó khăn và thách thức đối với thanh niên Việt Nam. Sự chuẩn bị kiến thức, kỹ năng và thái độ cũng như tâm lý để sẵn sàng di chuyển sang làm việc tại các nước của thanh niên Việt Nam chưa cao. Muốn di chuyển sang các nước làm việc thì phải có ngoại ngữ, nhưng ngoại ngữ là một trong những điểm hạn chế của thanh niên Việt Nam hiện nay. Thanh niên Việt Nam được đánh giá là cần cù, sáng tạo, nhiều sáng kiến nhưng khi năng lực không giao tiếp được, không chia sẻ được thì sáng tạo, sáng kiến cũng không được đưa vào thực tiễn sản xuất – đời sống.
Trách nhiệm của các cấp, các ngành
Các cấp, các ngành cần nhận thức đầy đủ, sâu sắc về vai trò quan trọng của đội ngũ thanh niên trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước trước xu thế của Cách mạng công nghiệp 4.0; chăm lo xây dựng và phát triển đội ngũ thanh niên, coi đây là việc làm thường xuyên, liên tục; xây dựng kế hoạch phát triển đội ngũ thanh niên, tiến hành đánh giá định kỳ để có những giải pháp kịp thời trong việc phát triển đội ngũ thanh niên.
Hiện nay, do sự chênh lệch về thu nhập, điều kiện làm việc giữa Việt Nam và các nước nên tình trạng “chảy máu chất xám” lao động trình độ cao là khá phổ biến. Việc di chuyển của lao động thanh niên nói chung, thanh niên trí thức có trình độ chuyên môn cao nói riêng ra nước ngoài là một tổn thất đối với đất nước. Để giải quyết vấn đề này, nhiều nước sử dụng tiền lương như là điều kiện quan trọng nhất nhằm khuyến khích người di cư về nước. Việt Nam ở trong hoàn cảnh chưa cung cấp đủ điều kiện về tiền lương hay cơ sở hạ tầng làm việc như ở các nước phát triển. Trong trường hợp đó, các cấp, các ngành vẫn có thể thu hút được các thanh niên Việt kiều tài năng về làm việc trong nước, yêu cầu đặt ra là trả được một mức lương ít nhất cạnh tranh được với khu vực tư nhân ở trong nước, đồng thời khơi dậy lòng yêu nước và tinh thần tự hào dân tộc của thanh niên Việt kiều. Ngoài ra, vẫn sử dụng được tri thức của thanh niên Việt kiều mà không nhất thiết phải mời họ chuyển hẳn về nước làm việc, nhất là xu hướng Cách mạng công nghiệp 4.0 và bối cảnh đẩy mạnh hội nhập quốc tế đang tạo ra những điều kiện rất thuận lợi. Các cấp, các ngành có thể sử dụng các thanh niên tài năng đang cư trú và làm việc ở nước ngoài tham gia vào các hoạt động kinh tế, xã hội, giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ,… ở trong nước. Trên thực tế, mục tiêu chủ yếu của cách làm này là làm cho các thanh niên Việt kiều trở thành một bộ phận của quá trình phát triển đất nước mà không cần buộc họ phải từ bỏ nơi làm việc ở nước ngoài để trở về nước. Vấn đề khó nhất là cần tạo nên những mối liên kết sao cho các thanh niên Việt kiều mặc dù không trở về nước nhưng vẫn kết nối một cách có hiệu quả và mang lại lợi ích cho sự phát triển của đất nước.
Trước xu thế mới, Đảng và Nhà nước cần thay đổi chính sách đào tạo, bồi dưỡng nói chung và chính sách đào tạo, bồi dưỡng thanh niên nói riêng. Theo đó, cần tích hợp các kiến thức và kỹ năng cần thiết về khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học (STEM) vào chương trình giáo dục vì hiện nay khoảng cách giữa nhà trường và công nghiệp đang ngày càng lớn. Một trong những trụ cột quan trọng của xu thế hiện tại là nhân tài, vì thế việc tạo ra môi trường đào tạo, nuôi dưỡng và thu hút thanh niên tài năng là điều cấp thiết đối với Việt Nam hiện nay.
Xem thêm: Ưu Và Nhược Điểm Của Hệ Điều Hành Unix Là Gì, Phân Biệt Giữa Unix Và Linux
Tóm lại, trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp 4.0, với vai trò là “đội quân chủ lực”, đội ngũ thanh niên phải chủ động, tích cực học tập và rèn luyện, lao động và sáng tạo; xung phong trong mọi lĩnh vực, luôn đi trước, làm trước để lôi cuốn quần chúng; hăng hái, kiên quyết, không sợ khó, không sợ khổ trong mọi hoàn cảnh. Chỉ có như vậy, thanh niên ta mới gia nhập được xu thế mới, góp phần đẩy nhanh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa của đất nước, xứng đáng là “Người chủ tương lai của nước nhà”, là “mùa Xuân của xã hội”./.