QĐND – Có lẽ từ thuở xa xưa, khi dân gian tạo nên sự tích về bọc trăm trứng của mẹ Âu Cơ, thì mục đích không chỉ để giải thích nên nguồn gốc nòi giống Tiên Rồng của dân tộc Việt Nam, mà đó còn là lời căn dặn của tiền nhân về một mối nghĩa tình ruột thịt, là “nỏ thần giữ nước” và cũng là bảo vật tinh thần vô giá.
Đang xem: Đồng bào là gì, giải thích nghĩa của từ Đồng bào
Không hiểu sao hai tiếng “đồng bào” khi vang lên lại ẩn chứa một sự xúc động lạ kỳ đến như vậy. Xúc động khi nghe Bác Hồ nói “Tôi nói đồng bào nghe rõ không?”. Xúc động khi Người kêu gọi “Hỡi đồng bào cả nước”. Hừng hực khí thế lên đường đánh giặc. Nặng lòng lo lắng cho khúc ruột miền Trung bão lũ triền miên. Nơi ấy có đồng bào, những người anh em ruột thịt…
Hình như không có quốc gia nào trên thế giới có sự tích nguồn gốc “đồng bào”, ngoài Việt Nam. Có lẽ với họ, tâm thức về hai chữ “đồng bào”, nếu có thì chỉ là cách để nói về những đứa con cùng cha cùng mẹ, cùng sinh từ một bào thai; có mối quan hệ tình cảm trong phạm vi huyết thống. Nhưng với người Việt, đồng bào là tất cả những người con đất Việt. Những người có cùng nguồn gốc từ bọc trứng của mẹ Âu Cơ, năm xưa chia nhau lên rừng xuống biển, sinh sống và giữ gìn non sông gấm vóc ở khắp mọi miền Tổ quốc.
Minh họa của LÊ HẢI. |
Cái tình nghĩa đồng bào ấy như một dấu gen, ẩn chứa lặng lẽ trong mỗi con người, được truyền từ đời này sang đời khác. Sự lặng lẽ ấy lại mang một sức sống mãnh liệt vô cùng. Suốt mấy nghìn năm dựng nước và giữ nước đã chứng minh rằng, khi đồng bào gặp nạn, khi đất nước lâm nguy thì tình nghĩa đồng bào sẽ dấy lên mạnh mẽ. Những bàn tay nắm lấy bàn tay, đan chặt vào nhau, như những thảm rễ cỏ, bền chặt đến vô cùng.
Nhớ thuở xưa, khi phương Nam còn rậm rạp hoang vu, những đoàn người đi mở cõi phải băng rừng lội suối, đối mặt với sơn lam chướng khí, thú dữ và thiên tai. Vùng đất mới luôn ẩn chứa hy vọng nhưng cũng lắm khắc nghiệt và dữ tợn. Không ít người đã bỏ mạng trước khi thấy mảnh đất thiêng liêng của Tổ quốc vươn xa đến mũi Cà Mau, “rừng vàng biển bạc”. Hành trang đi mở cõi của tiền nhân chỉ đơn sơ mấy cục đá lửa, cây phản và chiếc nốp cỏ bàng. Tuy nhiên ít ai biết rằng, từ hồn thiêng sông núi, đã để vào tay họ một bảo vật thiêng liêng, để những lúc khó khăn, đem ra mà “dùng” để vững vàng đi tiếp hành trình. Đó chính là nghĩa tình “đồng bào”.
Xem thêm: Văn Bằng Là Gì ? Tìm Hiểu Những Thông Tin Hữu Ích Về Văn Bằng 1
Người ta nương tựa vào nhau, xuồng nối xuồng theo sông theo suối mà mở mang bờ cõi. Người ta đoàn kết khai phá nên một vùng đất, rồi cùng nhau dựng nhà, xây làng, lập ấp. Nay cùng nhau dựng nhà cho người này, mai bà con lại cùng nhau dựng nhà cho mình. Từ đó mà thôn xóm hình thành, nhà nhà kề cận nhau. Cái tình nghĩa xóm thôn ở vùng đất mới được ươm ủ và lớn lên từ nền tảng của cái nghĩa đồng bào mà những tiền nhân mang vào từ miền đất Tổ, nơi hội tụ của con Lạc cháu Hồng.
Đất nước vươn mình lớn lên từ đó. Từ bọc trứng Âu Cơ, từ nghĩa tình đồng bào những ngày dựng nước. Để rồi khi đất nước bị lâm nguy, đồng bào các dân tộc anh em từ miền xuôi cũng như miền núi, đều chung tay vào một chiến hào đánh đuổi ngoại xâm. Căn cứ Việt Bắc là hiện thân của sự kết tinh tình nghĩa đồng bào các dân tộc anh em và tinh thần đoàn kết, bất diệt của nòi giống Lạc Hồng. Nó như thứ dưỡng chất tinh túy được chắt lọc từ hai chữ đồng bào, mà những lúc đất nước khó khăn, dưỡng chất ấy đã nuôi nhân dân ta vượt qua mọi phong ba bão táp.
Không chỉ ở miền Tây Bắc, mà cả khi bộ đội ta “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”, những bản làng đồng bào các dân tộc ở Tây Nguyên đã nuôi giấu bộ đội. Ngày lên nương, đêm giã gạo, gửi ra tiền tuyến cho bộ đội ăn no, đánh thắng giặc.
Những năm đất nước chia cắt, những người con miền Nam lên đường tập kết ra Bắc, sống, học tập, chiến đấu và thành danh, vẫn thường nhắc cháu con rằng mình là người “xương Nam, thịt Bắc”. Cũng có những người sinh ra ở miền Bắc, vượt Trường Sơn chiến đấu giải phóng miền Nam và nằm lại ở mảnh đất cuối trời Tổ quốc, được đồng bào miền Nam chăm sóc nhang khói nơi yên nghỉ như chính mộ người thân ruột thịt của mình. Nghĩa đồng bào vẫn nở xanh như cây vú sữa miền Nam trong vườn Bác. Hay cũng giống như hạt lúa mang từ đất Tổ Phú Thọ, khi gieo trồng ở đồng bằng châu thổ Cửu Long vẫn lên xanh và cho năng suất bội thu.
Người Việt có thói quen, đi xa thấy đồng hương thường sẽ vui mừng nhận “đồng bào”. Ở một nơi xa xôi nào đó, biết có đồng bào mình cũng ở gần đây, lòng chợt thấy ấm cúng lạ thường. Như ruột rà, như thân quen, chỉ cần nghe tiếng nói dân tộc mình thì lòng chợt nhen lên niềm vui và lắng sâu tự hào.
Xem thêm: Fce Là Gì? So Sánh Chứng Chỉ Fce Là Gì ? Nội Dung Thi Nên Lựa Chọn Fce Hay
Thời bình, nghĩa đồng bào lắng đọng vào lòng mỗi người, như viên ngọc hiếm được cất kỹ vào trong hòm gỗ quý. Để rồi khi hay tin miền Trung ruột thịt chìm trong bão lũ, đồng bào hai miền Nam – Bắc đều lắng lòng nghe nhịp đập tim mình sau mỗi tin bão dữ. Người ta gặp nhau, hỏi nhau tình hình miền Trung bữa nay thế nào? Người ta rủ nhau nhường cơm sẻ áo gửi giúp đỡ đồng bào trong ấy.
Những đoàn hàng cứu trợ liên tiếp từ hai đầu Tổ quốc hướng về miền Trung. Trong mớ gạo mì, quần áo đó, có bà ngoại ở miền Nam trút mớ gạo của mùa giáp hạt gửi tặng đồng bào; có bà mẹ Bắc Bộ gói ghém tấm chăn để dành mùa đông cũng gửi cho miền Trung ruột thịt. Những điều nhỏ nhặt lặng im ở tấm lòng người, từ xóm thôn heo hút lại là thứ tình cảm thiêng liêng và ấm áp nhất. Nghĩa tình ấy trở thành sợi chỉ đỏ xuyên suốt, đã truyền từ thuở những người anh em còn nằm chung bọc trứng mẹ Âu Cơ, mà đến khi lên non xuống biển, chia nhau đi khắp nơi vẫn đau đáu một nỗi niềm đồng vọng, đồng bào!
Người ta không hiểu vì sao dân tộc Việt Nam lại có một sức sống mãnh liệt, qua mấy nghìn năm chinh chiến khói lửa liên miên, mà vẫn ngẩng cao đầu, giương cao ngọn cờ đại nghĩa. Và người ta phát hiện rằng, không một dân tộc nào trên thế giới sinh ra từ cùng một bọc trứng để có nên cái nghĩa đồng bào, tiềm tàng trong máu của mỗi người mà khi dậy lên lại mãnh liệt đến như vậy! Nghĩa đồng bào ấy suốt bao năm vẫn là thứ bảo vật thiêng liêng, như của hồi môn mà mẹ Âu Cơ đã trao lại cho những đứa con thương yêu của mình.