“Nỗi đau đáu lớn nhất của anh Phương có lẽ là về con trai Phó Đức Hoàng… Anh cứ canh cánh “Sao mình lại ốm lúc này để làm vướng chân con”, bà Lan Anh – vợ của nhạc sĩ Phó Đức Phương tâm sự.
Đang xem: Là gì? nghĩa của từ Đau Đáu là gì, nghĩa của từ Đau Đáu nỗi buồn Đau Đáu
Là một trong những người cận kề nhạc sĩ Phó Đức Phương trong những ngày ông nằm trên giường bệnh. Bà thấy tinh thần của ông những ngày tháng đó thế nào?
Trong những ngày biết mình bị bệnh và khi đã nằm trên giường bệnh điều trị, anh Phương vẫn rất mạnh mẽ, lạc quan… Ngay cả đến giây phút cuối cùng, anh ấy cũng không nghĩ mình sẽ ra đi nhanh đến thế. Vì thế, gia đình chúng tôi rất đau buồn và rất sốc trước sự ra đi này.
Trong những ngày tháng đó, ba con gái, tôi và con trai luôn kề cận chăm sóc và truyền năng lượng lạc quan để anh ấy đủ sức mạnh “chiến đấu” với bệnh tật. Thậm chí, chỉ cần nghe ở đâu có phương thuốc và phương pháp mới về chữa bệnh ung thư tuỵ là chúng tôi liền bỏ công việc để tìm hiểu.
Và không chỉ gia đình mà cả bạn bè cũng như những người yêu mến anh đều hết sức hết lòng để tìm ra những phương thuốc tốt nhất nhằm giành lấy sự sống cho anh. Vì ai cũng biết, anh đang yêu tha thiết cuộc đời này và vẫn đang muốn cống hiến rất nhiều cho âm nhạc.
Vậy, trước đó, ông có tâm sự với bà về những điều ông còn thực hiện dang dở?
Lúc nằm trên giường bệnh, anh Phương vẫn trăn trở với rất nhiều ý tưởng và dự định âm nhạc đang thực hiện dang dở. Vì lẽ đó mà anh luôn cố gắng tuân thủ phác đồ điều trị, mạnh mẽ vượt qua những cơn đau… để sớm bình phục, hòng tiếp tục bắt tay vào thực hiện những điều mình đang làm.
Đặc biệt, anh dồn rất nhiều tâm huyết cho kế hoạch âm nhạc hoá tất cả những trang sử vàng chói lọi của Việt Nam. Anh Phương nói rằng, anh xem đó là một trách nhiệm, một sứ mệnh, một món nợ và một vinh dự của người sáng tác. Anh cũng xem đó là động lực mãnh liệt để phải khỏi bệnh bằng mọi cách.
Riêng về gia đình, nhạc sĩ Phó Đức Phương có nỗi đau đáu nào lớn?
Nỗi lo lắng, nỗi đau đáu lớn nhất của anh Phương về gia đình có lẽ là về con trai Phó Đức Hoàng. Hoàng đang chuẩn bị tốt nghiệp Tiến sĩ ngành Sáng tác âm nhạc ở Nhạc viện Boston (Mỹ) và Hoàng là niềm tự hào của anh Phương. Hoàng cũng thừa hưởng nhiều nét tính cách và tư tưởng âm nhạc của bố nhất trong gia đình.
Vì thời điểm này, dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp ở nhiều nước trên thế giới, trong đó có Mỹ nên chưa thể quay lại trường để tiếp tục nghiệp nghiên cứu sinh. Và trong thời gian bố bị bệnh, chính Hoàng là người đã luôn bên cạnh chăm sóc và cũng có nhiều thời gian trò chuyện với bố về âm nhạc nhất.Anh Phương gửi gắm rất nhiều tâm tư và kỳ vọng ở con trai.
Anh Phương cũng cứ canh cánh trong lòng nỗi trăn trở: “không biết bao giờ dịch kiểm soát được để con lên đường tiếp tục việc nghiên cứu” và “tại sao mình lại ốm lúc này để làm vướng chân con”.
Sự ra đi của bố khiến Hoàng vô cùng sốc. Có lẽ, Hoàng là người sốc nhất trong gia đình.
Xem thêm: Ủy Quyền Là Gì / Bài Dự Thi Của Hanghell, Ủy Quyền Là Gì
Với riêng bà, bà nghĩ gì về những năm tháng được làm vợ của nhạc sĩ Phó Đức Phương?
Chuyện tình và hôn nhân của tôi với anh Phương là một mối nhân duyên rất khó lí giải. Lúc chúng tôi gặp nhau, anh ấy đã là một nghệ sĩ có tên tuổi, còn tôi đang là sinh viên khoa Thanh nhạc của Học viện Âm nhạc Quốc gia. Chúng tôi cách nhau đến 20 tuổi nhưng lại có nhiều sự đồng điệu trong âm nhạc.
Trong gia tài âm nhạc của anh Phương, anh chưa bao giờ nói ra là sáng tác bài nọ, bài kia để tặng cho riêng tôi. Nhưng nghe âm nhạc của anh tôi cảm nhận được tình cảm anh gửi gắm trong đó.
Trong quãng thời gian vợ chồng sống với nhau, anh Phương dồn nhiều tâm lực cho công việc sáng tác nên có thể không trọn vẹn bổn phận của người chồng. Nhưng tôi chấp nhận gánh vác tất cả công việc sau lưng để anh có thể dồn tâm huyết cho những tác phẩm âm nhạc đồ sộ của mình. Và chúng tôi mặc nhiên coi đó là một sự phân công bình đẳng giữa vợ và chồng.
Trước khi lấy nhau, chính anh Phương cũng tâm sự là anh ấy ước mơ lấy được một người vợ lo lắng cho anh tất cả về kinh tế để anh thoả sức sáng tác âm nhạc. Anh chỉ muốn nhận những hợp đồng nào anh thích chứ không phải bò ra kiếm tiền để gồng gánh gia đình. Trước đó, anh Phương vất vả lắm vì phải nhận làm tất cả các lời đặt hàng. Từ tuồng, chèo, cải lương, kịch nói… cho đến nhạc phim.
Cho đến khi chúng tôi về sống với nhau, anh Phương cũng luôn tâm sự là mong muốn tôi có thể lo giúp anh về kinh tế để anh tập trung sáng tác những tác phẩm âm nhạc mà anh mong muốn.
Trong mắt bà, nhạc sĩ Phó Đức Phương là một người chồng như thế nào?
Anh Phương là một người đôi khi hơi hồn nhiên. Nhưng tôi với anh Phương đồng điệu với nhau trong nhiều thứ. Chúng tôi cùng yêu thiên nhiên, yêu âm nhạc và yêu cuộc sống.
Thời điểm anh Phương bị bệnh tôi rất sốc vì anh luôn nói với tôi là sẽ sống đến năm 91 tuổi. Tôi cũng yên tâm với lời nói đó của anh nên cứ hồn nhiên và lạc quan sống. Những ngày anh mới phát hiện mình bị bệnh, tôi thường đi cùng anh dọc bờ sông Hồng, sông Đuống và những miền quê anh thích để anh khuây khoả tinh thần. Một thời gian sau, chỉ khi bị mệt quá, anh mới chịu vào bệnh viện.
Nhạc sĩ Phó Đức Phương là một người yêu quê (Hưng Yên) tha thiết. Vì sao không an táng ở quê nhà mà an táng ở Phú Thọ?
Gia đình tôi không tin là anh ấy sẽ ra đi vì thế trước đó không dự tính trước sẽ an táng ở đâu. Bản thân anh Phương cũng rất vững vàng và luôn tin tưởng mình sẽ “chiến thắng” bệnh tật để tiếp tục sống và sáng tác âm nhạc nên chưa bao giờ đưa vấn đề này ra. Mọi người ngầm hiểu với nhau rằng, trong trường hợp xấu nhất thì sẽ đến đâu hay đến đó.
Và chúng tôi thấy việc an táng anh ở Công viên Thiên Đức trên Phú Thọ, nơi có nhiều bạn thơ – nhạc thì anh sẽ ấm áp hơn. Đây cũng là nơi để chúng tôi thuận lợi hơn trong việc chăm sóc mộ phần của anh khi anh an nghỉ.