Ân
Bạn muốn đặt tên con là Ân, tên doanh nghiệp là Ân. gocnhintangphat.com xin giới thiệu tới các bạn một số tên hay với Ân và ý nghĩa của tên như Bảo Ân – Đức Ân – Hoài Ân – Hoàng Ân – Hồng Ân – Hữu Ân – Long Ân – Nguyên Ân – Quốc Ân – Thanh Ân – Thành Ân – Thi Ân – Thiên Ân – Tứ Ân – Tri Ân – Trọng Ân.
Đang xem: Nghĩa của từ Ân là gì, nghĩa của từ Ân nghĩa hán nôm là gì
Bảo Ân
Ơn huệ quý báu. Chỉ ơn huệ về vật chất hoặc tinh thần đem lại sự thay đổi lớn lao trong cuộc sống của người được nhận theo chiều hướng tích cực. Theo quan niệm xưa nay, ơn huệ thường từ bề trên ban cho người dưới, đó có thể là ơn huệ của tạo hoá hay thần, Phật dành cho chúng sinh; của vua chúa dành cho bầy tôi hay thần dân; của quốc gia – dân tộc dành cho công dân; của thầy dành cho trò; của cha mẹ dành cho con cái… tất cả đều là ơn huệ quý giá đối với người nhận.
Tài trợ nội dung
Cách giải nghĩa khác về Bảo Ân: Giữ gìn ơn huệ. Biết trân trọng và giữ gìn ơn huệ của người khác dành cho mình là phẩm chất sống “uống nước nhớ nguồn”, có trước có sau, có trách nhiệm với những người mình mang ơn và với cộng đồng xã hội.
Đức Ân
Ơn huệ công đức. Chỉ ơn huệ theo dạng công lao như công đức sinh thành và dưỡng dục của cha mẹ, công đức dạy dỗ của thày cô, công đức đem lại cuộc sống bình an và hạnh phúc của xã hội và nước nhà… Tên gọi thể hiện ý thức và bổn phận làm người trong việc báo hiếu cha mẹ, nhớ ơn người dạy dỗ, nuôi dưỡng lòng yêu nước và thực hiện nghĩa vụ công dân. Ca dao có câu “Nhớ ơn công đức mẹ thầy. Mà lo đèn sách đợi ngày vinh hoa. Một là rạng rỡ cửa nhà. Hai là phụng dưỡng tuổi già song thân”.
Hoài Ân
Nhớ ơn nghĩa. Chỉ sự ghi nhớ trong lòng công ơn sinh thành và dưỡng dục của cha mẹ, công ơn dạy dỗ của thầy cô, công đức đem lại cuộc sống bình an và hạnh phúc của xã hội và nước nhà. Thành ngữ có câu “Uống nước nhớ nguồn” và câu “Ăn quả nhớ kẻ trồng cây”. Hoài Ân là một huyện của tỉnh Bình Định, thuộc vùng duyên hải Nam Trung Bộ, Việt Nam.
Hoàng Ân
Công ơn to lớn. Chỉ tấm lòng ghi tạc những công ơn lớn lao mà cha mẹ và gia đình đã nhận được trong cuộc sống. Cũng có thể hiểu Hoàng Ân theo nghĩa Công ơn của vua. Tên gọi đề cao tấm lòng trung nghĩa, có trước có sau trong phẩm chất đạo đức con người.
Sử chép, vị thân vương Trần Quốc Toản (1267-1285) do còn nhỏ tuổi nên không được tham dự việc quân cơ, đã tự ý chiêu mộ nghĩa binh dựng cờ “Phá cường địch, báo hoàng ân” dịch nghĩa “Phá giặc mạnh, báo ơn vua” tham gia đánh đuổi giặc Nguyên Mông, lập nhiều chiến công hiển hách (thế kỷ XIII). Trong bài thơ Vịnh Trần Quốc Toản của Phan Kế Bính có câu “Giỏi thay Trần Quốc Toản. Tuổi trẻ dư can đảm. Dốc bụng báo hoàng ân. Cả gan bình quốc nạn”.
Hồng Ân
Ơn huệ lớn lao. Nghĩa tương tự Long Ân. Chỉ ơn tứ to lớn mà bản thân và gia đình nhận được trong cuộc sống. Đó có thể là ơn huệ từ đấng linh thiêng, từ quốc gia – dân tộc, quê hương, cộng đồng hoặc cá nhân khác ban tặng cho người được nhận một cách đầy đủ và dồi dào, làm thay đổi đáng kể về đời sống tinh thần và vật chất của họ theo chiều hướng tốt đẹp hơn trước.
Trong quan niệm cũ, thường Hồng Ân tương đồng với Hoàng Ân dùng chỉ ơn huệ của bậc đế vương ban cho quần thần hoặc thần dân trong nước.
Hữu Ân
Có lòng biết ơn. Chỉ sự ghi lòng tạc dạ công ơn, ân đức của người khác hoặc của xã hội và đất nước dành cho bản thân và gia đình mình. Đối lập với Hữu Ân là thái độ vô ân, vong ân (quên ơn). Sự biết ơn hiện diện trong lòng người là một nét đẹp nhân văn đáng quý. Trong bài thơ Nôm Vô Đề – 32 của Nguyễn Bỉnh Khiêm có câu “Lộc nặng ơn nhờ đức thánh minh” và câu “No ấm cũng nhờ phúc thái bình”.
Long Ân
Ơn huệ lớn lao, ơn nghĩa cao dày. Nghĩa tương tự Hồng Ân. Chỉ ơn tứ to lớn, cao dày và sâu nặng mà bản thân và gia đình nhận được trong cuộc sống. Đó có thể là ơn huệ từ đấng linh thiêng, từ quốc gia – dân tộc, quê hương, cộng đồng hoặc cá nhân khác ban tặng cho người được nhận một cách đầy đủ và dồi dào, làm thay đổi đáng kể về đời sống tinh thần và vật chất của họ theo chiều hướng tốt đẹp hơn trước.
Trong quan niệm cũ, đôi khi Long Ân tương đồng với Hoàng Ân dùng chỉ ơn huệ của đế vương ban cho quần thần hoặc thần dân.
Nguyên Ân
Ơn nghĩa ban đầu. Chỉ lòng biết ơn công lao ban đầu của người giúp đỡ cho ta từ thuở chập chững vào đời, lúc mới bước trên con đường công danh sự nghiệp. Cũng có thể hiểu Nguyên Ân theo nghĩa là ơn huệ cơ bản, ơn huệ gốc là ơn huệ nền tảng giúp ta vươn lên xây dựng cuộc sống tốt đẹp và sự nghiệp lớn lao. Tên gọi thể hiện tấm lòng “Uống nước nhớ nguồn, Ăn quả nhớ kẻ trồng cây” trong đạo lý của dân tộc.
Xem thêm: Sức Mua Là Gì – Tìm Hiểu Chỉ Số Giá Tiêu Dùng
Quốc Ân
Ghi nhớ công ơn của Tổ quốc. Tổ quốc gắn liền với dân tộc, với quê hương, với tổ tiên ông bà, với máu thịt và cuộc sống của mỗi con người, Tổ quốc thiêng liêng và vĩnh cửu trong lòng người.
Theo quan niệm của dân gian, ai sinh ra trên cõi đời này đều phải chịu ơn sinh thành của cha mẹ, được sống trên giag sơn này phải chịu ơn chở che bao bọc của đất nước. Thấm nhuần đạo lý ấy, khi đất nước lâm nguy, gia đình tan vỡ vì hoạ ngoại xâm, thì trách nhiệm “trả thù nhà, đền nợ nước” trở thành nghĩa vụ thiêng liêng của mọi con dân đất Việt.
Thanh Ân
Ơn lành. Chỉ công ơn tốt lành và trong sáng mà bản thân và gia đình mình nhận được trong cuộc sống. Đó có thể là ơn huệ từ đấng linh thiêng, từ quốc gia – dân tộc, quê hương, cộng đồng hoặc cá nhân khác ban tặng cho người được nhận mà không kèm theo điều kiện ràng buộc, góp phần cải thiện tích cực đời sống của họ.
Cách giải nghĩa khác về Thanh Ân: Tiếng tăm của ơn huệ. Chỉ tiếng lành vang xa từ ơn nghĩa tốt đẹp, vô tư, trong sáng và vô điều kiện trong các mối quan hệ giữa con người với con người trong xã hội.
Thành Ân
Ơn nghĩa chân thành. Chỉ ơn nghĩa, ơn huệ xuất phát từ tấm lòng thành thật, nhiệt tình và trong sáng. Công ơn của người khác đối với mình cần được thành kính ghi khắc trong lòng. Tên gọi thể hiện sự kỳ vọng về tấm lòng chân thành trong cuộc sống, nhớ công ơn sinh thành của cha mẹ, nhớ công ơn những người đã giúp đỡ, cưu mang mình khi khó khăn hoạn nạn, biết yêu thương, giúp đỡ mọi người.
Thi Ân
Làm ơn, ban ơn cho người khác. Chỉ việc thực hiện các hoạt động giúp đỡ tự nguyện bằng công sức, bằng tiền bạc vật chất hoặc hành vi cứu giúp những người gặp hoạn nạn, mà người được nhận coi việc làm đó là một ơn huệ quý giá để họ luôn ghi nhớ trong lòng. Trong truyện thơ U tình lục của Hồ Biểu Chánh có câu “Lòng chánh trực, khí hiên ngang. Thi ân bảo nghĩa mọi đàng chẳng sai”.
Thiên Ân
Ơn huệ của tạo hoá. Mang niềm tin còn là món quà quý giá mà tạo hoá ban tặng cho gia đình, là ơn cao nghĩa dày dành cho sự huyền diệu trong cuộc sống mà cha mẹ khát khao đợi chờ và được linh ứng bằng việc con chào đời.
Thiên Ân còn mang ngụ ý về sự đề cao những giá trị vật chất hoặc tinh thần mà người đời quan niệm do trời ban phát một cách công bằng cho người đời, cho mọi quốc gia – dân tộc. Trong bài Thiên vấn phú của Phan Bội Châu có câu “Vẫn từng nghe thiên đạo chí công, há lẽ cường phù nhược ức? Vẫn cũng biết thiên ân phổ biến, vì sao bỉ sắc tư phong?”.
Tứ Ân
Bốn ơn. Chỉ triết lý nhà Phật về bốn công ơn sâu nặng mà con người phải luôn ghi nhớ, đó là ơn cha mẹ, ơn chúng sinh, ơn quốc gia – dân tộc và ơn Tam Bảo. Có nhiều cách lý giải về Tứ ân song tựu chung đều mang ý nghĩa tương tự nhau. Ty nhiên, về phần ơn Tam Bảo có lẽ chỉ phù hợp với Phật tử và những người có đức tin vào nhà Phật.
Thành ngữ Hán Việt có câu “Tứ ân tam hữu” tức Bốn ơn và ba cõi (dục giới, sắc giới và vô sắc giới, theo triết lý nhà Phật cả ba cõi đều vướng bận phiền não, khổ đau). Trong bài kệ chữ Nôm Đắc thú lâm tuyền thành đạo ca của Trần Nhân Tông có đoạn “Tụng kinh niệm bụt. Chúc thánh khẩn cầu. Tam hữu tứ ân. Ta nguyền được bả”.
Tri Ân
Biết ơn, nhớ ơn. Chỉ sự ghi nhớ trong lòng công ơn của người khác đối với bản thân. Trong cuộc sống, mỗi con người đều nhận được ơn nghĩa từ ông bà, cha mẹ, thày cô, quê hương, đất nước và những người khác, biết ơn công đức của họ là một phẩm chất tốt đẹp trong văn hoá truyền thống của người Việt nam như câu thành ngữ quen thuộc “Uống nước nhớ nguồn”.
Từ biết ơn, nhớ ơn công đức của người khác, tiến tới đền ơn, báo ơn là một việc làm thiết thực và có trách nhiệm của những người thấu hiệu đạo lý cuộc sống. Trong Truyện Kiều của Nguyễn Du có câu “Anh hùng tiếng đã gọi rằng. Giữa đường dãu thấy bất bằng mà tha! Huống chi việc cũng việc nhà. Lọ là thâm tạ mới là tri ân”.
Xem thêm: Cho Đến Nay Tiếng Anh Là Gì, Từ Đó Đến Nay In English With Contextual Examples
Trọng Ân
Trân trọng nghĩa. Ơn nghĩa của người khác đối với mình cần được ghi nhớ một cách trân trọng và sâu sắc. Đó là ơn nghĩa sinh thành, dạy dỗ, cưu mang miếng cơm manh áo, cứu khổ cứu nạn, giúp đỡ về tinh thần hoặc vật chất, tha tội, tạo công ăn việc làm… Người sống có trách nhiệm phải biết ghi lòng tạc dạ mọi ơn nghĩa trong cuộc đời và phải có trách nhiệm đền đáp.