Nhà nho Nguyễn Khuyến đem “cái tôi” mình ra để tự chế giễu, tự chê trách cũng là cách trào phúng cả một tầng lớp đại diện nền học …

Đang xem: Nghĩa của từ tự trào là gì, Đôi chút tự trào :: suy ngẫm & tự vấn :: chúngta

*

Nhà nho Nguyễn Khuyến đem “cái tôi” mình ra để tự chế giễu, tự chê trách cũng là cách trào phúng cả một tầng lớp đại diện nền học vấn đã hết thời. Danh vị tiến sĩ nay đã trở thành trò hề, trở thành thứ đồ chơi để “dứ thằng cu”, mà mỗi lần nhìn thấy thứ hình nộm ông Tiến sĩ là đồ chơi của trẻ, Nguyễn Khuyến lại tự bỡn cợt: “Nghĩ mình cũng gớm cho mình nhỉ/ Thế cũng bia xanh, cũng bảng vàng”

TỰ TRÀO NGUYỄN KHUYẾN

NGUYỄN THANH TÚ

Nhìn vào thế giới mỹ học tiếng cười Việt Nam thì hầu như nhà trào phúng lớn nào cũng tự trào, lấy mình ra làm đối tượng để mà tự chế giễu, tự mỉa mai mình. Trong đó Nguyễn Khuyến “tự trào” nhiều nhất, cũng đa dạng sắc thái nhất, chiếm khoảng hơn 30% tổng số tác phẩm của ông.Tiếng cười trẻ trung, lạc quan, trong sáng có từ thời trẻ và sau này là hóm hỉnh, tinh quái thấm đậm vào trong từng cái nhìn, từng ý, từng chữ.

Nhà thơ tự trào về tuổi tác thật dí dỏm, tươi tắn, tự nhiên: “Một năm một tuổi trời cho tớ/ Tuổi tớ trời cho tớ lại càng…” (Khai bút). Càng gì? câu thơ lửng lơ với nụ cười hóm. Tiếng cười tự trào phủ định chủ yếu cất lên từ giai đoạn Nguyễn Khuyến ra làm quan, nhất là sau khi về Yên Đổ. Tiếng cười tự tin, khẳng định đã yếu đi nhiều, thay vào đó là tiếng cười đầy trăn trở, xót xa, cười ra nước mắt, tiếng cười từ nghi ngờ đến phủ nhận, thậm chí nhạo báng chính mình.

Có một giọng cười như ngang ngạnh, gàn dở, say mèm: “Ta cũng chẳng giàu, cũng chẳng sang/ Chẳng gầy, chẳng béo, chỉ làng nhàng/ Mở miệng nói ra gàn bát sách/ Mềm môi chén mãi tít cung thang…” (Tự trào). Một loạt những hình ảnh tự họa như rất xa lạ để làm hiện ra một con người bi kịch. Bi kịch muốn từ quan để giữ lấy sự trong sạch nhưng bị giằng xé với “ân vua”, muốn phục vụ vua.

Hệ quả của bi kịch này là có một tiếng cười ra nước mắt: “Ba phần tóc bạc càng thêm tủi/ Một tấm lòng son vẫn có thừa/ Da trời ai nhuộm mà xanh ngắt/ Mắt lão không vầy cũng đỏ hoe…”. Có khi là tiếng khóc thật sự: “Ơn vua chưa chút báo đền/ Cúi trông hổ đất, ngửa lên thẹn trời” (Di chúc). Cho nên giằng xé một mâu thuẫn: “Kẻ ở trên đời lo lắng cả/ Nghĩ ra ông sợ cái ông này” (Tự thuật). Mình lại sợ chính mình vì mình không còn là mình. Trong khi người đời lo lắng thì mình lại vô tâm, chẳng giúp gì đời, cũng chẳng làm gì hại đời. Thế nên có lúc thấy mình vô tích sự, là “người thừa”. Đấy là tiền đề cho tiếng cười tự mình mỉa mai mình!

Không làm gì được cho dân, cho nước nên mới hổ đất thẹn trời. Tấm lòng ấy đáng được cảm thông, kính trọng. Khác với việc tự khẳng định mình trước đây, bây giờ Nguyễn Khuyến giễu cợt mình một cách chua chát. Mà xét kỹ phê phán, phủ định cũng chính là để khẳng định một chân lí nào đó.

Ông châm biếm, đả phá cái giả Nho, cái vô dụng, chính là để khẳng định cái chân Nho, khẳng định những giá trị truyền thống của dân tộc, khẳng định những phẩm chất tốt đẹp của riêng mình. Đấy là cách tự phản tỉnh trước thực tế các giá trị đạo đức đang bị sa sút nghiêm trọng.

Nhà nho Nguyễn Khuyến đem “cái tôi” mình ra để tự chế giễu, tự chê trách cũng là cách trào phúng cả một tầng lớp đại diện nền học vấn đã hết thời. Danh vị tiến sĩ nay đã trở thành trò hề, trở thành thứ đồ chơi để “dứ thằng cu”, mà mỗi lần nhìn thấy thứ hình nộm ông Tiến sĩ là đồ chơi của trẻ, Nguyễn Khuyến lại tự bỡn cợt: “Nghĩ mình cũng gớm cho mình nhỉ/ Thế cũng bia xanh, cũng bảng vàng” (Tự trào).

Bề ngoài câu chữ là cười mình, tự dè bỉu, trách cứ mình bất tài vô dụng, nhưng nhìn sâu vào bên trong mới thấy đó là một bản lĩnh, một sự tự ý thức giá trị bản thân. Vì cười mình là để nhạo đời. Thế nên phủ định cũng là một cách khẳng định!

Bên trong con người Nguyễn Khuyến là sự khủng hoảng về lý tưởng của một bậc đại khoa đọc sách thánh hiền cùng cái tài học hăm hở giúp nước bỗng trở nên vô nghĩa, không đủ tài năng và bản lĩnh để ứng xử trong một tình thế hoàn toàn mới – một hoàn cảnh xã hội phong kiến nửa thực dân lố lăng. Tất yếu dẫn đến những bi kịch giằng xé.

Bi kịch bị đẩy lên cao khi nhà thơ thất vọng sâu sắc trước một thực tế quá xa so với nhận thức giáo điều trước đó. Triều đình nhà Nguyễn hèn nhát, ký Hiệp ước hàng giặc Pháp. Ở chốn quan trường bao cảnh ngang tai trái mắt, vua không ra vua, tôi không ra tôi, xã hội biến động, đổi trắng thay đen, không đành lòng làm quan, ông quyết tâm rũ bỏ “bụi đời” trở về với Yên Đổ (1883).

Thực sự đau đớn khi nhận thấy học vấn của mình không đem lại lợi ích gì cho nước nhà, ông theo con đường mà người xưa đã chọn – ở ẩn, tắm mình vào thiên nhiên, gửi hồn mình vào chốn làng quê.

Xem thêm: So Sánh Nhất ( Superlative Là Gì Trong Tiếng Việt? Superlatives (So Sánh Nhất)

Nhưng sự day dứt “quân thần phụ tử” không thể dứt hẳn, vẫn phải trực tiếp hay gián tiếp chứng kiến sự đảo lộn ghê gớm ngoài xã hội… nên nhà trào phúng dùng tiếng cười, vừa để gửi gắm tâm trạng, vừa để cười mình, cười đời: “Sách vở ích gì cho buổi ấy/ Áo xiêm nghĩ lại thẹn thân già” (Ngày xuân dặn các con).

Về ở ẩn rồi nhưng vẫn tự trách cứ mình: “Cờ đang dở cuộc không còn nước/ Bạc chửa thâu canh đã chạy làng” (Tự trào). Cười mình là kẻ “chạy làng” vô trách nhiệm trước thời cuộc cũng là tự giễu cợt sự bất lực của bản thân.

Tiếng cười thêm chua xót, ngậm ngùi hơn. Có một sự chơi chữ thâm thúy:”Cờ đang dở cuộc không còn nước”. Vì “không còn nước” tức ván cờ hết nước đi, cũng là chuyện mất nước nên vua cũng không còn thực nữa, chỉ là vua hề, chỉ là quan phường chèo thôi: “Vua chèo còn chẳng ra gì/ Quan chèo vai nhọ khác chi thằng hề”!

Hình tượng “ông phỗng đá” hay hình tượng chính con người nhà thơ đầy dằn vặt: “Người đâu tên họ là gì?/ Khéo thay chích chích chi chi nực cười/ Dang tay ngửa mặt lên trời/ Hay còn lo tính sự đời chi đây” (Hỏi phỗng đá). “Ông phỗng đá” đáng trách hay chính mình đáng trách, vì “tuy hai là một”: “Cõi hóa cùng đi lại/ Không chừng bác cũng ta”(An ủi ông lão đá). Nhà thơ có hai bài “an ủi”: Úy thạch lão nhân (An ủi ông lão đá) và Úy thế phiến (An ủi cái quạt đã bỏ), cũng là một cách tự mình an ủi mình mà thôi.

Đối thoại với “lão đá” cũng là đối thoại với chính mình, nhắc mình, khuyên mình, tự an ủi mình: “Thôi cũng đừng chấp chuyện đâu đâu/ Túi vũ trụ mặc đàn sau gánh vác/ Duyên hội ngộ là duyên tuổi tác/ Chén chú, chén anh, chén tôi chén bác/ Cuộc tỉnh say, say tỉnh một vài câu/ Nên chăng đá cũng gật đầu”. Uống rượu với “lão đá” cũng là một kiểu “độc ẩm”.

Nhà thơ lại tự giễu cái tật hay uống: “Những lúc say sưa cũng muốn chừa/ Muốn chừa nhưng tính lại hay ưa/ Hay ưa nên nỗi chưa chừa được/ Chừa được nhưng ông vẫn chửa chừa” (Chừa rượu).

Phép lặp từ, đảo trang diễn tả rất sinh động hình tượng một ông lão già như đang trong cơn say ngật ngưỡng, nghiêng ngả. Điều này chứng tỏ ông chỉ mượn rượu chứ không hám rượu, càng không phải say rượu. Rượu là phương tiện để trốn đời, lánh đời, đời đáng chán thì chưa muốn “chừa”, vì có chừa được thì càng đáng buồn hơn!

Tiếng cười tự trào Nguyễn Khuyến có đặc điểm cái bi lấn át, trội hơn cái hài. Nhưng không hẳn buồn. Có không ít tiếng cười đùa vui, hóm hỉnh, ngộ nghĩnh, ví dụ bài Khuyên vợ cả: “Ta chẳng như ai lối nguyệt hoa/ Trước là ngẫm nghĩ nỗi gần xa/ Lấy năm thì cũng dành ngôi chính/ Dẫu bảy càng thêm vững việc nhà”.

Mỗi câu là một sự “trần tình”, câu 1 khẳng định là con người đứng đắn. Câu 2 nêu nguyên nhân lấy nhiều vợ: phải lo xa. Câu 3: Có lấy đến 5 vợ thì vợ cả vẫn là “ngôi chính”. Câu 4: Nếu có lấy 7 vợ thì việc nhà càng vững.

Đây là bài “nịnh vợ cả” thì đúng hơn: có lấy thêm vợ cũng là vì “vợ cả”! Tiếng cười bật ra từ những mâu thuẫn: “Ta” không có tính “nguyệt hoa” nhưng có thể lấy đến…7 vợ! Cả bài là tiếng cười vui hóm từ sự “ngụy biện” cho việc có nhiều “thê thiếp”.

Xem thêm: Tìm Hiểu Về Tờ Gấp Là Gì ? Tờ Gấp Là Gì? Các Hình Thức Tờ Gấp Ấn Tượng Nhất

Nhà thơ tự cười cái thân hình mình đáng cười ngộ nghĩnh lôi thôi: “Ông gẫm thân ông nghĩ cũng hay/ Mái tóc chòm xanh chòm lốm đốm/ Hàm răng chiếc rụng, chiếc lung lay/ Nhập nhèm bốn mắt tranh mờ tỏ/ Khấp khểnh ba chân dở tỉnh say…” (Than già).

Với nguyên tắc “thô kệch hóa” và biệt tài dùng tính từ láy, chân dung một ông lão già dở tỉnh dở say, chống gậy cũng không vững nên xiêu vẹo (khấp khểnh) nhìn thì không rõ, phải đeo kính (nhập nhèm), móm miệng (răng rụng), tóc bị xơ rối (lốm đốm)… Đã thế “Đi đâu lủng củng cối cùng chày”!!!

Nguyễn Khuyến hài hước việc mình được “lên lão”, được chiếm một manh chiếu giữa đình: “Ba vạn sáu nghìn ngày, cái thủ lợn nhìn thày đà nhẵn mặt/ một năm mười hai tháng, con mắt gà đeo kính đã mòn tai”(Cảnh về vườn). Ông hay nói đến rượu, tự giễu mình say làm cho nhiều người (có cả nhà nghiên cứu) nghĩ ông hám rượu. Câu thơ này nói thật về ông: “Túy ông ý chẳng say vì rượu/ Say vì đâu nước thẳm với non cao” (Uống rượu ở vườn Bùi). Không thể thay trời đổi đất, ông lấy tiếng cười lay thức mọi người. Vì thế tiếng cười này trở nên lớn lao hơn tiếng cười thông thường. Một tiếng cười yêu nước!

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *