“Chính phủ kiến tạo” là một thuật ngữ không còn xa lạ với nhiều quốc gia trên thế giới, nhưng lại khá mới mẻ với Việt Nam. Bài viết tìm hiểu cách tiếp cận của một số quốc gia trong sự so sánh, đối chiếu với cách tiếp cận về chính phủ kiến tạo ở Việt Nam, từ đó đề xuất định hướng cụ thể để mô hình chính phủ kiến tạo ở nước ta phát huy những thành quả đã đạt được, góp phần thúc đẩy quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Đang xem: Thực chất nội hàm ' chính phủ kiến tạo là gì, cannot complete this action

*
 

1. Cách tiếp cận về mô hình chính phủ kiến tạo ở một số quốc gia trên thế giới

Hiện nay trên thế giới chưa có khái niệm chính thống về cụm từ “chính phủ kiến tạo”. Theo tiếng Anh, “chính phủ kiến tạo” có thể hiểu là “tectonic government”, trong đó từ “tectonic” có nghĩa là xây dựng, kiến tạo, phát triển. Đây không phải là một thuật ngữ mới bởi nó đã được các học giả và nhiều nhà lãnh đạo ở các quốc gia trên thế giới nghiên cứu, áp dụng từ lâu. Tuy nhiên, tùy từng thời điểm, từng bối cảnh cụ thể mà phạm vi, cách tiếp cận về chính phủ kiến tạo ở mỗi quốc gia có sự khác nhau. Cụ thể như:

Ở Nhật Bản, khái niệm nhà nước kiến tạo phát triển lần đầu tiên được nghiên cứu và áp dụng từ năm 1927, tập trung nhiều nhất trong lĩnh vực giáo dục (khái niệm nhà nước kiến tạo phát triển sau này đã được áp dụng cho nhiều quốc gia khác trên thế giới). Giai đoạn 1960-1964, dưới sự điều hành của Thủ tướng Ikeda Hayato, Nhật Bản trở thành một trong ba chính phủ kiến tạo điển hình của châu Á(1). Chính phủ thời kỳ này có 5 đặc điểm lớn: 1) có lãnh đạo đủ tầm nắm quyền điều hành, chủ động cải cách mạnh mẽ từ “xoay xở, đối phó” sang “kiến tạo phát triển”; 2) có một chủ thuyết phát triển mới, khoa học, làm kim chỉ nam cho đầu tư chiến lược; 3) có cách thức mới để thực hiện chủ thuyết đó; 4) quá trình thực thi chủ thuyết phát triển phải tận dụng được các nguồn lực; 5) nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình của doanh nghiệp và người dân. Điểm nhấn ở chính phủ kiến tạo phát triển của Nhật Bản là thực hiện kế hoạch tăng gấp đôi thu nhập và một trong những việc làm đầu tiên của Thủ tướng Ikeda Hayato là giải tán các Zaibatsu (tài phiệt – những tập đoàn công nghiệp – tài chính lớn). Đây là giải pháp đa tác dụng: giải quyết điểm nghẽn của nền kinh tế, lấy chỗ để doanh nghiệp tư nhân đầu tư, thu tiền nhà nước về đầu tư chỗ cần, tăng hiệu quả chung, tạo việc làm và biến những xưởng máy nghèo nàn thành các doanh nghiệp năng động, phục vụ chiến lược xuất khẩu. Hiện nay, dưới sự điều hành của Thủ tướng Shinzo Abe, Nhật Bản vẫn xác định mục tiêu: tạo dựng “chính phủ kiến tạo phát triển” là định hướng hoạt động của chính phủ nhiệm kỳ 2016 – 2020 nhằm kiến tạo phát triển đất nước.

Ở Hoa Kỳ, thuật ngữ chính phủ kiến tạo phát triển (developmental government), nhà nước kiến tạo phát triển (developmental state) lần đầu tiên được nhà nghiên cứu Chalmers Ashby Johnson(2) đưa ra từ thập niên 80 của thế kỷ 20, khi ông nghiên cứu về sự phát triển thần kỳ của Nhật Bản. Cuốn sách MITI và Phép thuật Nhật Bản của ông là nghiên cứu ưu việt nhất về sự phát triển của đất nước và tạo ra một nền kinh tế chính trị phát triển và thuật ngữ “nhà nước phát triển” (Developmental state) ra đời. Theo ông, đây là một mô hình quản lý nhà nước, trong đó thiết chế quan trọng nhất là chính phủ phải đề ra các chính sách mang tính định hướng phát triển, tạo môi trường và điều kiện cho các chủ thể, thành phần kinh tế phát huy tiềm năng trong môi trường cạnh tranh và hội nhập quốc tế. Chính phủ tăng cường kiểm tra, giám sát để phát hiện kịp thời những vấn đề nảy sinh trong quá trình quản lý, có thể xảy ra tình trạng mất cân đối trong nền kinh tế, bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô.

Theo quan điểm của Thomas Jefferson – Tổng thống thứ ba của Hoa Kỳ: chính phủ được gọi với cái tên “Chính phủ hạn chế – Limited Government” và tuyên bố chính phủ tốt nhất là chính phủ cai trị ít nhất. Vì vậy, Thomas Jefferson cho rằng chính phủ phải bị ràng buộc, không được phép thực hiện công việc của mình một cách tùy tiện. Theo ông, mục đích của chính phủ là bảo vệ quyền bình đẳng của người dân và ông nhắc lại điều này nhiều lần: “đó là để đảm bảo quyền của chúng tôi mà chúng tôi sử dụng đến chính phủ ở tất cả”(3).

Ở Singapore, vào thập niên 80 của thế kỷ XX, giới lãnh đạo Singapore đã có phong trào “hướng tới sự thay đổi” mà trọng tâm là đổi mới cơ chế quản lý của chính phủ để thích ứng với sự thay đổi. Năm 1991, Singapore khởi động chương trình cải cách mang tên “Nền công vụ thế kỷ 21” nhằm xây dựng nền công vụ có hiệu quả, hiệu lực với lực lượng công chức liêm chính, tận tụy có năng suất lao động và chất lượng dịch vụ cao. Với giải pháp đưa tinh thần “doanh nghiệp” vào hoạt động của bộ máy hành chính mà cốt lõi là lấy hiệu quả làm thước đo; thành lập Ủy ban hỗ trợ doanh nghiệp nhằm tìm hiểu, đánh giá và đề xuất phương án giải quyết các kiến nghị của doanh nghiệp; đề ra chương trình xoá bỏ cách làm việc quan liêu, nhiều tầng nấc của bộ máy hành chính với mục tiêu là việc gì cũng phải có cơ quan chịu trách nhiệm. Như vậy có thể thấy, mục tiêu của Singapore là xây dựng chính phủ chịu trách nhiệm và phục vụ sự phát triển kinh tế – xã hội và người dân.

Trung Quốc gọi chính phủ kiến tạo là “chính phủ nhỏ, xã hội lớn”. Theo tên gọi này, thực chất chính phủ tập trung vào những công việc then chốt, có ý nghĩa quyết định đối với sự phát triển ổn định, có hiệu quả của toàn bộ nền kinh tế, chứ không ôm đồm, làm những việc không phải của mình, không đáng làm(4).

 Khi nghiên cứu về “chính phủ nhỏ, xã hội lớn” và mô tả, phân tích những chuyển biến mạnh mẽ của Nhà nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa cuối thế kỷ XX, cuốn Cải cách chính phủ – Cơn lốc chính trị cuối thế kỷ XX của học giả Tinh Tinh đặc biệt nhấn mạnh vấn đề cải cách chính phủ hướng tới phục vụ cho công cuộc đổi mới. Ông đã phân tích sâu sắc bối cảnh chính trị, kinh tế – xã hội Trung Quốc để đi đến kết luận “công cuộc cải cách cơ cấu của Trung Quốc muốn thành công, nhất thiết phải chuyển đổi chức năng của Chính phủ”, trong đó “mục đích chủ yếu của chuyển đổi chức năng chính quyền hiện nay là phải thay đổi cách làm không phù hợp với yêu cầu thời đại, quản cái đáng quản, tăng cường điều tiết vĩ mô, xây dựng một chính phủ phù hợp với nguyên tắc tinh giản, thống nhất, hiệu quả, thích ứng với nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa”(5).

Ở Hàn Quốc, đầu những năm 90 của thế kỷ XX Chính phủ đã theo đuổi công cuộc cải cách trên tất cả các mặt của bộ máy quản lý nhà nước với mục đích xây dựng một chính phủ nhỏ nhưng mạnh và hiệu quả hơn cùng với một bộ máy hành chính dân chủ và hiệu quả. Trong một nghiên cứu năm 2003, Ha-Joon Chang(6) đã làm rõ vai trò của nhà nước trong kinh tế và phát triển. Ông đánh giá các lý thuyết và sự can thiệp thực tế của nhà nước đối với phát triển trong hơn hai thế kỷ của chủ nghĩa tư bản hiện đại. Ha-Joon Chang dùng phương pháp tiếp cận thể chế khi phân tích vai trò của nhà nước trong sự thay đổi kinh tế, xem xét các vấn đề liên quan đến chính sách công nghiệp, chính sách thương mại, quyền sở hữu trí tuệ, quy định và chiến lược đối với các tập đoàn xuyên quốc gia. Ông kết nối các lý thuyết với các trường hợp lịch sử phức tạp để minh chứng cho vai trò thiết yếu và mang tính xây dựng của nhà nước trong phát triển kinh tế (Ha-Joon Chang, 2003).

Như vậy, chính phủ kiến tạo được cho là nhà nước có vai trò chủ động và tích cực trong phát triển kinh tế. Nhà nước với vai trò chủ đạo dẫn dắt sự phát triển trong nền kinh tế thị trường. Chính phủ kiến tạo là chính phủ có cơ cấu, tổ chức phù hợp với chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình và đặc biệt là cần phù hợp với điều kiện kinh tế – xã hội nhằm đạt được hiệu quả cao trong quá trình quản lý xã hội.

Qua nghiên cứu cho thấy, các quốc gia đều tiếp cận chính phủ kiến tạo với những đặc điểm chung như sau:

Một là, phải là một mô hình nhà nước pháp quyền, dân chủ.

Hai là, các cơ quan nhà nước hoạt động công khai, minh bạch và có trách nhiệm giải trình.

Ba là, đội ngũ công chức, viên chức được tuyển chọn cạnh tranh, công bằng, đủ năng lực, tầm nhìn và tài năng để hoạch định chính sách phát triển, xây dựng các thể chế và phục vụ phát triển.

Bốn là, chính phủ không can thiệp sâu vào đời sống kinh tế – xã hội của người dân và doanh nghiệp, chuyển từ vai trò quản lý, điều hành sang vai trò kiến tạo phát triển, như định hướng phát triển, hỗ trợ phát triển và quản trị rủi ro trong phát triển.

Năm là, phi tập trung hóa quyền lực nhà nước, phân quyền và phân cấp rõ ràng, tạo điều kiện để cơ quan nhà nước các cấp có khả năng độc lập, sáng tạo và tự chịu trách nhiệm về hành vi của mình trong quá trình thực thi quyền lực nhà nước.

Sáu là, quan hệ chặt chẽ với doanh nghiệp và người dân, tận tụy phục vụ nhu cầu phát triển của doanh nghiệp và người dân, tạo ra các điều kiện để mọi doanh nghiệp, mọi người dân được bình đẳng và tham gia sáng tạo vào quá trình tìm kiếm phúc lợi cho bản thân theo nguyên tắc được làm bất cứ việc gì pháp luật không cấm.

Tuy nhiên, việc tiếp cận về chính phủ kiến tạo ở các nước có những đặc điểm riêng biệt: về tên gọi; về thực hiện các chức năng của chính phủ kiến tạo. Do vậy, chính phủ kiến tạo khi nghiên cứu ở các nước tư bản sẽ khác với các nước xã hội chủ nghĩa dù gần gũi về tính chất chỉ huy, định hướng kế hoạch phát triển. Mặt khác, nó cũng khác với “nhà nước điều chỉnh” cho dù đều coi trọng kinh tế thị trường và sở hữu tư nhân.

2. Cách tiếp cận và định hướng của Việt Nam trong xây dựng chính phủ kiến tạo

Ở Việt Nam, cụm từ “chính phủ kiến tạo” là một khái niệm khá mới. Tuy nhiên, có thể hiểu chính phủ kiến tạo là chính phủ định hướng, tạo khuôn khổ, điều kiện, môi trường cho sự phát triển và hướng tới phục vụ nhân dân. Chính phủ kiến tạo tập trung xây dựng khuôn khổ thể chế phù hợp và tạo điều kiện cần thiết để mọi người phát huy năng lực, sức sáng tạo vì lợi ích của chính mình và đóng góp cho xã hội.

Trong lịch sử xây dựng chính quyền của Nhà nước Việt Nam, ngay từ khi mới ra đời năm 1945 đã nhấn mạnh “Chính phủ kháng chiến và kiến quốc”. Chính phủ kháng chiến và kiến quốc, trong đó khái niệm “kiến quốc” là khá rộng(7). Ngày nay, chính phủ kiến tạo thực chất là sự tiếp tục của “Chính phủ kiến quốc” trong điều kiện phát triển mới để đưa đất nước phát triển và hội nhập sâu rộng. Đặc biệt, tìm hiểu tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về “chính phủ phục vụ” có thể thấy tư tưởng về xây dựng một chính phủ kiến tạo ngày nay. Theo Người, chính phủ phục vụ nhân dân không chỉ ở chỗ do nhân dân lập ra thông qua bầu cử dân chủ, “phải xin ý kiến” nhân dân những công việc hệ trọng, mà còn phải chịu sự kiểm tra, giám sát của nhân dân. Người viết: “Chế độ ta là chế độ dân chủ. Nhân dân là chủ. Chính phủ là đày tớ của nhân dân. Nhân dân có quyền đôn đốc và phê bình Chính phủ. Chính phủ thì việc to, việc nhỏ đều nhằm mục đích phục vụ lợi ích của nhân dân. Vì vậy, nhân dân lại có nhiệm vụ giúp đỡ Chính phủ và làm đúng chính sách của Chính phủ, để Chính phủ làm tròn phận sự mà nhân dân đã giao phó cho”(8).

Khi tiến hành đổi mới năm 1986, dù chưa sử dụng thuật ngữ chính phủ kiến tạo phát triển nhưng trên thực tế chính phủ đã vận hành theo mô hình này. Cụ thể, Chính phủ luôn đề ra kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội của đất nước; tích cực vận dụng các quy luật của kinh tế thị trường, đồng thời tích cực can thiệp vào thị trường để ổn định kinh tế vĩ mô, thúc đẩy các mục tiêu phát triển như công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xóa đói – giảm nghèo…

Trong phiên họp đầu tiên của Chính phủ nhiệm kỳ 2016 – 2021, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã khẳng định mục tiêu xây dựng: “Chính phủ kiến tạo phát triển, liêm chính, hành động quyết liệt, phục vụ nhân dân”. Có thể thấy tư tưởng cải cách chính phủ nhằm xây dựng một chính phủ kiến tạo ở Việt Nam với các quốc gia trên thế giới đều có điểm chung là xây dựng chính phủ gọn nhẹ, chuyển giao dần công việc của chính phủ cho khu vực tư nhân; tận tụy phục vụ và tạo điều kiện cho nhu cầu phát triển của doanh nghiệp và người dân. Chính phủ kiến tạo suy đến cùng chính là thực hiện “cho đúng, cho đủ” những chức năng, nhiệm vụ của Chính phủ trong một nhà nước pháp quyền hiện đại trong kỷ nguyên toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế mà ở nước ta là Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của dân, do dân và vì dân.

So với các quốc gia khác, khi tiếp cận mô hình chính phủ kiến tạo, Việt Nam cũng xây dựng mô hình tổ chức chính phủ trên nguyên tắc bộ quản lý đa ngành, đa lĩnh vực, theo hướng gọn nhẹ, hiệu quả và hợp lý. Điều này đã được nhiều nghị quyết của Đảng nhấn mạnh và là nhiệm vụ, mục tiêu của các chương trình tổng thể cải cách nền hành chính nhà nước. Đây cũng là xu thế chung của các nước trên thế giới, cải cách theo yêu cầu quản trị tốt, có hiệu quả trong nền kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế. Việt Nam tuy có một số đặc thù về hệ thống chính trị, song cũng không nằm ngoài xu thế này.

Trong thời gian tới, để xây dựng được mô hình chính phủ kiến tạo phù hợp với điều kiện kinh tế, chính trị của Việt Nam, xin đề xuất một số định hướng như sau:

Thứ nhất, chuyển đổi vai trò của chính phủ từ mô hình chính phủ quản lý, điều hành sang chính phủ tập trung ưu tiên thực hiện chức năng kiến tạo, phát triển.

Mục đích chủ yếu của chuyển đổi vai trò, chức năng là phải thay đổi cách làm không phù hợp với yêu cầu thời đại, tăng cường điều tiết vĩ mô, xây dựng một chính phủ phù hợp với nguyên tắc tinh giản, thống nhất, hiệu quả, thích ứng với nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa(9). Sự chuyển đổi vai trò này đòi hỏi phải cải cách, cơ cấu lại bộ máy nhà nước nói chung và xây dựng một chính phủ kiến tạo. Chính phủ kiến tạo là chính phủ có tầm “nhìn xa trông rộng” thể hiện qua việc tập trung ưu tiên vào xây dựng chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, đặc biệt là các chính sách vĩ mô trên cơ sở xác định mục tiêu chiến lược đúng đắn, xác lập bước đi phù hợp với điều kiện cụ thể. Các cơ quan của chính phủ phải là những kiến trúc sư trưởng của đất nước, tham mưu chiến lược về cơ chế, chính sách, đổi mới thể chế, tạo môi trường đầu tư, kinh doanh hấp dẫn, cạnh tranh, bình đẳng; triển khai và thực hiện hiệu quả đột phá chiến lược về thể chế kinh tế thị trường. Chính phủ kiến tạo không làm thay thị trường mà định hướng lại lĩnh vực cần trực tiếp đầu tư, những việc trực tiếp làm và những việc chuyển giao dần cho xã hội làm; điều tiết nền kinh tế thị trường thông qua các chính sách, cơ chế và không can thiệp trực tiếp vào thị trường.

Thứ hai, Chính phủ chủ động xây dựng thể chế kiến tạo phát triển.

Xem thêm: Các Nhân Tố Ảnh Hưởng Đến Chi Phí Sử Dụng Vốn Là Gì ? Chi Phí Sử Dụng Vốn Của Doanh Nghiệp Chương 12

Chính phủ kiến tạo phải chủ động xây dựng thể chế kiến tạo, phát triển. Để kiến tạo phát triển, chính sách, thể chế đóng vai trò hết sức quan trọng. Không có chính sách phân bố nguồn lực đúng đắn không thể tạo ra phát triển; không có những thể chế bảo đảm quyền tự do kinh doanh, quyền tự do tài sản, quyền tự do khế ước… khó tạo ra phát triển; không có những thể chế thúc đẩy cạnh tranh khó có thể thúc đẩy phát triển; không có một nền công vụ chuyên nghiệp, hiệu quả cung cấp những dịch vụ công chất lượng cao cho nhân dân sẽ khó tạo ra phát triển.

Thứ ba, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức.

Để chính phủ kiến tạo tốt, điều cốt yếu nhất phải xây dựng được một đội ngũ cán bộ, công chức có chất lượng. Bởi lẽ, đội ngũ cán bộ, công chức, đặc biệt là những cán bộ, công chức cấp cao – những người hoạch định đường lối phát triển với tầm nhìn đúng đắn trong quá trình toàn cầu hóa và cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Họ là người vạch ra đường lối, chiến lược để vận dụng hiệu quả các quy luật của thị trường để tác động vào thị trường nhằm thúc đẩy việc hiện thực hóa các mục tiêu phát triển.

Thứ tư, giải quyết tốt mối quan hệ giữa Nhà nước với các tổ chức xã hội và công dân.

Trong quá trình phát triển quan hệ giữa Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của dân, do dân, vì dân với đời sống xã hội ở Việt Nam, phải thường xuyên đánh giá việc thực hiện thống nhất chức năng xã hội – chính trị của Nhà nước; thường xuyên phát hiện những vấn đề bất cập để không ngừng hoàn thiện quan hệ giữa nhà nước với các định chế xã hội. Quan hệ giữa nhà nước với xã hội là quan hệ giữa thiết chế điều tiết với khách thể của sự điều tiết ấy; đồng thời, đó còn là quan hệ giữa nhà nước với cơ sở xã hội của nhà nước. Trong đó, những nội dung quan trọng nhất cần khẳng định chính là phương thức mà nhà nước xã hội chủ nghĩa sử dụng để giải quyết các mối quan hệ biện chứng giữa tập trung và dân chủ, giữa chính trị và nhân văn, giữa giữ vững định hướng xã hội chủ nghĩa với phát triển kinh tế nhiều thành phần và phát huy đại đoàn kết dân tộc, giữa thực hiện chức năng xã hội – chính trị và chức năng xã hội trên các phương diện của đời sống xã hội.

Thứ năm, giải quyết tốt mối quan hệ giữa nhà nước với kinh tế thị trường.

Kinh nghiệm thành công trong xây dựng chính phủ kiến tạo của một số quốc gia trên thế giới là chính phủ đề ra các chính sách mang tính định hướng phát triển, tạo môi trường và điều kiện cho các chủ thể, thành phần kinh tế phát huy mọi tiềm năng trong môi trường cạnh tranh và hội nhập quốc tế. Do đó, có thể thấy vấn đề xử lý quan hệ giữa vai trò của thị trường với vai trò của nhà nước là một chủ đề mang tính toàn cầu. Thực tiễn hơn 30 năm đổi mới vừa qua đã giúp chúng ta tích lũy nhiều kinh nghiệm phong phú, khái quát thành lý luận và được kiểm chứng qua thực tiễn, trở thành bộ phận hợp thành quan trọng của thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN. Để giải quyết tốt mối quan hệ trên, Chính phủ cần thực hiện các công việc như:

– Cải thiện môi trường kinh doanh. Chuyển dần tư duy từ tiền kiểm sang hậu kiểm, tránh tình trạng cắt giảm bớt các điều kiện kinh doanh nhưng lại “mọc giấy phép con”. Tiếp tục triển khai các dịch vụ hành chính điện tử giúp giảm thời gian, chi phí cho doanh nghiệp khi thực hiện thủ tục đăng ký kinh doanh.

– Xác định trật tự thị trường, tạo dựng môi trường cạnh tranh bình đẳng giữa các loại hình doanh nghiệp. Các loại hình doanh nghiệp đều được cạnh tranh công bằng và phải bảo vệ lợi ích của người tiêu dùng.

– Phải có tầm nhìn chiến lược trong phát triển kinh tế theo hướng mở. Tối ưu hóa cơ cấu xuất, nhập khẩu, tận dụng tốt hơn nữa thị trường ngoài nước và nguồn lực từ bên ngoài. Mở rộng đầu tư ra nước ngoài, thông qua đó tìm kiếm nguồn lực cho phát triển kinh tế. Thu hút các tri thức và mở rộng mạng lưới tiêu thụ trên thị trường quốc tế, nâng cao năng lực đổi mới kỹ thuật và năng lực kinh doanh của doanh nghiệp.

Khi nghiên cứu mô hình chính phủ kiến tạo của các quốc gia trên thế giới có thể rút ra những giá trị tham chiếu trong quá trình xây dựng nhà nước kiến tạo phát triển ở Việt Nam. Trong giai đoạn hiện nay, việc xây dựng mô hình chính phủ kiến tạo là hoàn toàn phù hợp với thể chế chính trị và sự phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở nước ta. Việc tin tưởng và kiên định trong xây dựng mô hình chính phủ kiến tạo sẽ góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động của nền công vụ và thúc đẩy quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước./.

TS. Nguyễn Thị Thu Hòa – ThS. Vũ Thị Loan – Học viện Hành chính Quốc gia

Ghi chú:

(1) Cùng chính phủ của Park Chung-hee của Hàn Quốc (1961 – 1979) và Chính phủ Trung Quốc thời Đặng Tiểu Bình tiến hành cải cách kinh tế (1978 – 1987).

(3) Thomas Jefferson đến M. D”Ivernois, 1795.

(4) TS. Nguyễn Thành Phát – Thị trưởng thành phố Hoàng Thạch, tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc, trong cuốn: Cải cách hoạt động của Chính phủ Trung Quốc sau khi gia nhập WTO.

(5),(9) Tinh Tinh (chủ biên), Cải cách chính phủ – cơn lốc chính trị cuối thế kỷ XX, Nxb Công an nhân dân, H.2002.

(6) Là một nhà kinh tế học về thể chế Hàn Quốc chuyên về kinh tế phát triển.

(8) Hồ Chí Minh, toàn tập, tập 7, Nxb CTQG, H.1995, tr.368.

 

Tài liệu tham khảo:

1. Tinh Tinh (chủ biên), Cải cách chính phủ – cơn lốc chính trị cuối thế kỷ XX, Nxb Công an nhân dân, H.2002.

2. Chalmers Johnson (1982), MITI and the japanese miracle, Stanford, Stanford University Press, CA.

3. Chalmers Johnson (1985), “Political institutions and economic performance: The government-business relations in Japan, South Korea, and Taiwan”, in: Robert Scalapino, Seizaburo Sato, Jusuf Wanandi (ed., 1985), Asian economic development: present and future, University of California Press, Berkeley.

4. Gordon, Colin, năm 1991.

5. Hồ Chí Minh, toàn tập, tập 7, Nxb CTQG, H.1995.

6. Ha-Joon Chang (2010), “How to ‘do’ a developmental state: Political, organizational, and human resource requirements for the developmental state”, in: O. Edigheji (ed., 2010), Constructing a democratic developmental state in South Africa – Potentials and challenges, Human Science R.

Xem thêm: Turbo Nghĩa Là Gì – Ưu Nhược Điểm Của Nó

7. Martin, A (2011). “Partisan identification and attitudes to big versus small government in Australia: Evidence from the ISSP”. Australian Journal of Political Science 46.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *